Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định

Ngọc Quỳnh| 14/08/2022 06:28

(HNM) - Trong 7 tháng năm 2022, sản xuất nông nghiệp cả nước diễn ra trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất như: Phân bón, thức ăn chăn nuôi... đều tăng cao. Ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ sản xuất đến hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nên sản xuất ổn định, tăng trưởng bảo đảm nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chăm sóc đàn lợn tại trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP (huyện Đông Anh). Ảnh: Nguyễn Quang

Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố 7 tháng năm 2022 phát triển ổn định. Thời điểm hiện tại các địa phương tập trung chăm sóc vụ mùa năm 2022, với gần 95.000ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa khoảng 74.000ha, năng suất có thể đạt 58,3 tạ/ha. Tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, ngành chăn nuôi phát triển ổn định (hiện đàn trâu, bò 163.133 con, đàn lợn gần 1,5 triệu con, đàn gia cầm hơn 38 triệu con).

“Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố ổn định và việc Hà Nội tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản với các tỉnh, thành phố sẽ bảo đảm nguồn cung nông sản cho người tiêu dùng Thủ đô”, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

Cùng với việc gia tăng sản lượng, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp đã đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh) Lê Văn Tám cho hay, với diện tích 1.500m2, để nâng cao chất lượng rau, củ, quả theo hướng hữu cơ, hợp tác xã đã xây dựng 6 mô hình nhà màng theo công nghệ của Israel. Hiện nay, sản phẩm rau hữu cơ của hợp tác xã đang được tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích với doanh thu 2-3 tỷ đồng/năm.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, 7 tháng năm 2022, sản xuất lúa gạo ổn định, dự kiến sản lượng năm nay sẽ đạt 43 triệu tấn, bảo đảm cung ứng cho 98 triệu dân (khoảng 14 triệu tấn gạo), còn lại để xuất khẩu, chế biến dùng cho chăn nuôi, sản xuất giống và dự trữ. Chăn nuôi duy trì tốc độ tăng trưởng, đến nay đàn lợn đạt hơn 28 triệu con, tăng 4,8%; đàn gia cầm khoảng 515 triệu con, tăng 1,6%; trứng đạt 18,4 tỷ quả; sữa là 620 nghìn tấn; sản lượng thủy sản đạt hơn 5 triệu tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, rủi ro tăng cao, các nền kinh tế lớn gặp nhiều thách thức, Việt Nam vẫn bảo đảm tốt vấn đề an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu là thành công đáng ghi nhận.

Thực hiện mục tiêu tăng trưởng đạt 2,8-3%

Từ nay đến cuối năm 2022, sản xuất nông nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như: Thời tiết diễn biến bất thường; vào mùa đông, rét đậm, rét hại kéo dài tại các tỉnh phía Bắc; dịch bệnh trên đàn vật nuôi; giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng cao. Đặc biệt, giá sản phẩm nông nghiệp bấp bênh, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước hạn chế, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn...

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 2,5-3% trong năm nay, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp với các địa phương triển khai giải pháp phòng trừ dịch hại, bảo vệ cây trồng; chủ động kế hoạch sản xuất vụ đông trên cơ sở có các điều chỉnh phù hợp về cơ cấu cây trồng, diện tích gieo trồng... Hà Nội phấn đấu đạt hơn 29.600ha gieo trồng vụ đông 2022, tập trung vào các loại giống mới, ngắn ngày và áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất. Cùng với đó, tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, liên kết theo chuỗi để kiểm soát dịch bệnh...

Khẳng định các doanh nghiệp cần liên kết với hợp tác xã để hình thành vùng nguyên liệu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mia Fruit (thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Ngọc Huyền cho biết, công ty đang phối hợp với tỉnh Sơn La hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa nông sản vào tiêu thụ tại các siêu thị trong hệ thống và hỗ trợ tham gia xuất khẩu; đồng thời hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các loại trái cây của tỉnh...

Thực hiện mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp năm 2022 đạt 2,8-3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 55 tỷ USD, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu, từ nay đến cuối năm, các địa phương tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết để chỉ đạo khung thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; đồng thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường.

Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương theo dõi và thông tin về giá cả, tình hình sản xuất, nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các thị trường; tăng cường hỗ trợ kết nối, phát triển công nghiệp chế biến phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, tiếp tục triển khai chương trình hợp tác chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh... nhằm bảo đảm ổn định sản xuất.

Với sự nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp, người nông dân, chắc chắn ngành Nông nghiệp sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.