Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẵn sàng nguồn lao động để mở cửa du lịch

Hoàng Lân| 03/03/2022 06:31

(HNM) - Chính phủ đã đồng ý mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15-3 tới đây. Hiện tại, các địa phương, đơn vị đang đôn đốc chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón đầu lượng khách lớn, đặc biệt hướng tới mùa du lịch cao điểm vào mùa hè này. Việc đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch là một trong những nhiệm vụ đang được nhiều địa phương, đơn vị chú trọng.

Các nhân viên của Di tích Nhà tù Hỏa Lò được tập huấn nâng cao kỹ năng bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho khách du lịch.

Bù đắp nhân lực hao hụt

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nguồn nhân lực lao động trong ngành Du lịch suy giảm đáng kể do nhiều lao động không có việc làm phải chuyển sang làm công việc khác. Trong rất nhiều cuộc hội thảo bàn về giải pháp khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 đối với ngành Du lịch, các chuyên gia đều cho rằng, nguồn lực lao động là một trong những bài toàn khó mà các địa phương, đơn vị cần gấp rút có phương án để sẵn sàng cho việc đón khách.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, nỗi lo lớn nhất là hiện tượng “chảy máu chất xám”, nhiều lao động khi chuyển sang lĩnh vực khác, không còn mặn mà với ngành Du lịch. Còn theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Trương Sỹ Vinh, nguồn lao động chất lượng cao trong ngành Du lịch đang cạn kiệt, nhất là trong bối cảnh hình thái, xu thế, quan niệm du lịch đang thay đổi. “Lực lượng lao động cần phải thay đổi cách làm việc, tiếp cận với công nghệ, thị trường thì mới thu hút được du khách”, ông Trương Sỹ Vinh nói.

Trước đòi hỏi mới, các địa phương, đơn vị đang gấp rút bổ sung nguồn nhân lực cho đơn vị mình. Để chuẩn bị cho việc mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch, Công ty Lữ hành VietFoot Travel đã tổ chức tuyển dụng, đào tạo lại một lực lượng lớn nguồn nhân lực ở các lĩnh vực bán hàng, điều hành, tiếp thị để xây dựng các gói sản phẩm phục vụ cho du lịch nội địa, outbound (đưa khách đi du lịch nước ngoài), inbound (đón khách quốc tế). Trong khi đó, Công ty Du lịch VietSense đã tổ chức kết nối lại các nhân viên cũ đang tạm thôi việc cũng như liên hệ với nhiều trường đại học có khoa du lịch để tổ chức tuyển dụng. Còn Công ty Lữ hành Hanoitourist tổ chức nhiều khóa đào tạo cho đội ngũ nhân sự thêm các kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, xây dựng sản phẩm.

Ở lĩnh vực lưu trú, nhiều khách sạn, resort cũng tổ chức đào tạo đội ngũ nhân viên theo tiêu chuẩn mới. Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Grand Hà Nội Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, đơn vị thường xuyên bồi dưỡng thêm các kỹ năng mới cho đội ngũ nhân viên, đặc biệt là kỹ năng tổ chức du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo). Còn Giám đốc Khu nghỉ dưỡng MEDI Thiên Sơn (huyện Ba Vì) Đỗ Quốc Thái thông tin, đơn vị đang đào tạo lực lượng nhân sự kỹ năng chăm sóc sức khỏe để đẩy mạnh dòng sản phẩm du lịch chữa bệnh, nghỉ dưỡng trong thời gian tới.

Hướng tới sự chuyên nghiệp

Mặc dù các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch đang nỗ lực bù đắp lực lượng lao động hao hụt, nhưng chất lượng nguồn nhân lực bổ sung là vấn đề khiến nhiều đơn vị lo lắng. Theo Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài, đội ngũ nhân sự cũ vẫn bị ảnh hưởng thói quen làm việc cũ, còn lực lượng lao động mới tuyển từ các trường đại học lại thiếu kinh nghiệm thực tế. Còn theo Giám đốc Công ty Lữ hành VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa, dù đơn vị đã dành thời gian đào tạo nguồn nhân sự mới, song kết quả cũng chỉ tuyển lựa được vài vị trí như ý. Một trong những hạn chế của lực lượng nhân sự hiện nay là thiếu các kỹ năng mềm về ứng dụng công nghệ, xử lý tình huống.

Bàn về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực lao động, nâng cao kỹ năng, chất lượng của đội ngũ nhân sự, hướng tới sự chuyên nghiệp trong dịch vụ du lịch, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, cơ quan quản lý du lịch cần hỗ trợ các đơn vị tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực một cách bài bản, chuyên sâu, đáp ứng được tiêu chí mới của ngành Du lịch trong bối cảnh “thích ứng, an toàn dịch Covid-19”. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh, các đơn vị du lịch và trung tâm đào tạo cần có sự liên kết trong việc hỗ trợ đào tạo nhân lực; bổ sung thêm kỹ năng mới trong khâu đào tạo; có chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng cao quay trở lại làm việc.

Tại Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức hội nghị chuẩn bị điều kiện mở cửa phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô năm 2022, trong đó nhấn mạnh giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành Du lịch. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, định hướng trong việc xây dựng sản phẩm đặc thù của Hà Nội, Sở luôn sát cánh cùng các đơn vị kinh doanh du lịch tổ chức các buổi đào tạo nguồn nhân lực, nhằm xây dựng đội ngũ lao động chất lượng, chuyên nghiệp cho du lịch Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng nguồn lao động để mở cửa du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.