(HNM) - Những năm gần đây, sân khấu Hà Nội chưa có được sự ổn định cần thiết, điều đó không chỉ khiến lượng khán giả đến với sân khấu thưa vắng mà còn khiến người làm nghề lo lắng về hướng đi lâu dài.
Ảnh minh họa |
Nếu nhìn tích cực, có thể thấy cơ ngơi các đơn vị nghệ thuật sân khấu của Thủ đô đã ngày một thêm khang trang hơn, các điểm diễn ở vị thế đẹp để công chúng dễ ghé. Vừa qua, Tổ chức Kỷ lục Châu Á đã vinh danh Nhà hát Múa rối Thăng Long với kỷ lục diễn đủ 365 ngày trong năm. Song, sân khấu Thủ đô thực chất chưa làm "ấm" được những khán phòng trong các đêm diễn. Điều này có thể xuất phát từ tâm lý của người Hà Nội thường muốn sum họp gia đình vào cuối ngày thay vì tới rạp xem biểu diễn. Rồi việc nở rộ các loại hình giải trí cũng khiến người dân Thủ đô lơ là hơn với sân khấu cho dù các nhà hát của Hà Nội, các nhà hát TƯ đóng trên địa bàn hiện vẫn đang cố gắng sáng tạo những tác phẩm hấp dẫn với mong muốn có thể kéo người xem đến rạp. Và người Hà Nội không phải đã hoàn toàn hờ hững với sân khấu, như tại sự kiện Liên hoan các vở diễn của cố tác giả Lưu Quang Vũ vừa qua là điển hình. NSND Minh Hòa (Nhà hát Kịch Hà Nội) cho rằng, người dân đến xem đông là vì kịch Lưu Quang Vũ vẫn mang hơi thở thời sự đương đại mà người dân quan tâm và cũng một phần là do có sự đầu tư, sáng tạo hay nói đúng hơn là những người làm nghệ thuật đã biết "làm mới" những vở diễn cũ để thu hút khán giả. Như vậy, rõ ràng có một vấn đề đặt ra hiện nay là phải liên tục tạo những sự kiện sân khấu đủ tầm để khán giả hình thành thói quen đến rạp. Nhưng điều này không phải lúc nào người làm nghệ thuật cũng có thể khai thác được những điều tưởng như đã cũ ấy.
Nhìn nhận lại sân khấu phía Bắc những năm qua có thể nhận ra những điểm yếu "chết người", như NSƯT Bùi Vũ Minh phân tích: Ngoài Lưu Quang Vũ, lấy ai đủ sức làm "nóng" sân khấu? Sự thiếu vắng các tác giả giỏi, tài hoa, thiếu đội ngũ biên kịch kế cận, thiếu đạo diễn mà chỉ nghe tên người ta đã tìm tới tác phẩm. Diễn viên "sao" mai một ít nhiều còn thế hệ trẻ không mấy tận tâm rèn luyện nghề... Cái thiếu nữa là trang thiết bị kỹ thuật phụ trợ cho sân khấu dù đã có nhiều rạp, nhà hát được xây mới, nhưng vẫn thiếu điều kiện cho đạo diễn, tác giả thỏa sức sáng tạo. Theo NSƯT Bùi Vũ Minh, sân khấu vẫn đang trình diễn như cách đây gần thế kỷ, trong những điều kiện mà khoảng 50 năm nay, sân khấu thế giới không còn trang trí, không còn sử dụng các kỹ thuật như vậy nữa. Với bối cảnh đó, làm sao khán giả hiện đại, khán giả có trình độ, còn tìm tới rạp để thưởng thức nền sân khấu đã lạc hậu đến thế?
Dù rằng, hiện nay nhiều nhà hát đã tích cực tìm hướng tiếp cận gần với khán giả theo nhiều hình thức, như: Nhà hát Tuổi trẻ đến với khán giả trẻ bằng hình thức tổ chức biểu diễn miễn phí 100 buổi phục vụ cho HSSV các trường phổ thông và cao đẳng, đại học trên địa bàn Thủ đô và sẽ thí điểm liên kết để thành lập các câu lạc bộ "Sân khấu trẻ" cho sinh viên tại 10 trường đại học trên địa bàn Hà Nội; Nhà hát Kịch Hà Nội duy trì hành trình tìm kiếm khán giả bằng những tác phẩm nghệ thuật đích thực; Nhà hát Chèo Hà Nội thì đầu tư thích đáng cho yếu tố nghe, nhìn của khán giả; Nhà hát Cải lương Hà Nội thì tìm con đường "cải cách hát ca theo tiến bộ" với thử nghiệm: Kết hợp giữa sân khấu và điện ảnh trong một vở diễn... Nhưng, sự cải cách tổng lực về mọi mặt, gồm: Tìm kiếm tác giả giỏi, diễn viên giỏi, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại… là điều cần thiết lúc này ở tất cả các đơn vị nghệ thuật của Thủ đô thì vẫn chưa thấy. Nhiều đơn vị, đến nay vẫn hoạt động theo lối cũ hoặc dựa vào sự "độc nhất" của môn nghệ thuật mình đảm nhiệm để "câu khách". Thế nên, sân khấu Thủ đô vẫn khó lòng ổn định để quay lại thời hoàng kim thuở nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.