(HNMO) - Thời điểm này, hàng loạt nhà hát, đơn vị nghệ thuật đóng trên địa bàn Hà Nội nỗ lực giới thiệu nhiều sản phẩm nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Sự sôi động của sân khấu thiếu nhi vào mùa cao điểm cũng đặt ra nhiều câu hỏi.
Từ truyền thống đến hiện đại
Dịp này, các nhà hát, đơn vị nghệ thuật nhà nước và tư nhân đều giới thiệu những sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu giải trí của trẻ em và phụ huynh. So với mọi năm, năm nay, sân khấu thiếu nhi đa dạng hơn trong việc khai thác các mảng đề tài. Mảng đề tài truyền thống từ truyện cổ tích, dân gian được thể hiện cân bằng, hài hòa với những câu chuyện hiện đại.
Vở diễn "Giấc mơ nàng tiên cá". |
Vừa qua, Nhà hát Tuổi trẻ giới thiệu 3 sản phẩm nghệ thuật, trong đó, vở diễn mới là “Sơn Tinh - Thủy Tinh” được dàn dựng mới dựa theo tích truyện cổ dân gian, hai vở còn lại là “Giấc mơ nàng tiên cá” và “Con chim xanh” dựa theo kịch bản nước ngoài được chỉnh sửa lại so với vở diễn cũ.
Cũng khai thác chủ đề dân gian, sân khấu Lệ Ngọc - sân khấu xã hội hóa đầu tiên của Hà Nội - đã thành công khi khai thác kịch bản từ truyện cổ tích “Tấm Cám”. Với cách diễn xuất hài hước, tung tẩy của các vai diễn cùng những thay đổi mang tính đột phá của đạo diễn người Singapore như: Thay thế vai “Bụt” là người mẹ của Tấm và mẹ con Cám được hoàn lương thành người tốt, vở diễn đã nhận được sự hưởng ứng của người xem. Toàn bộ các suất diễn của vở “Tấm Cám” cho đến ngày 1-6 đã kín chỗ.
Đan xen với yếu tố dân gian, truyền thống, nhiều đơn vị, nhà hát cũng cho thấy sự cấp tiến trong việc nắm bắt sở thích, xu hướng của trẻ em khi đưa những nhân vật hoạt hình mà trẻ nhỏ yêu thích lên sân khấu như: Mèo máy Doraemon, người nhện, siêu nhân, công chúa Elsa, nàng Bạch Tuyết…
Sân khấu dành cho thiếu nhi đang diễn ra sôi động. |
Vừa qua, Nhà hát múa rối Thăng Long ra mắt vở rối mới “Các con là tất cả”, kết hợp các loại hình múa rối như rối nước, rối cạn, rối tay, rối người… Nghệ thuật múa rối kết hợp với kịch nói đã tạo nên sản phẩm mới mẻ của loại hình sân khấu truyền thống này.
Góp phần làm phong phú sân khấu thiếu nhi Thủ đô, Liên đoàn xiếc Việt Nam dàn dựng vở xiếc mới “Cuộc phiêu lưu của chú Tễu”. Nhiều loại hình xiếc được kết hợp để phù hợp với thiếu nhi, trong đó các nghệ sĩ cũng đưa “thú cưng” lên sân khấu xiếc như: Đà điểu, lợn, mèo…
Để không còn là “mùa vụ”
Mặc dù sân khấu thiếu nhi hoạt động khá sôi động, nhưng theo các nhà hát, tác phẩm nghệ thuật dành cho thiếu nhi thường chỉ được chú trọng đầu tư vào một vài thời điểm trong năm như dịp Quốc tế thiếu nhi, hè hoặc Tết Trung thu.
NSƯT Chí Trung, quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam thừa nhận, dù là đơn vị có nhiệm vụ thực hiện sản phẩm cho lứa tuổi thanh, thiếu nhi nhưng không phải lúc nào nhà hát cũng có thể thực hiện được vở diễn mới. Nhà hát Tuổi trẻ hiện nay chỉ có thể thực hiện được những vở diễn dành cho lứa tuổi từ 4-9, còn từ 9-12 tuổi gần như không có sản phẩm.
“Sự khó khăn của việc thực hiện sân khấu thiếu nhi nằm ở khâu kịch bản. Nhà hát đang sử dụng kịch bản của một số tác giả như Đinh Tiến Dũng, Nguyễn Toàn Thắng…, nhưng nhiều khi khan hiếm quá, nhiều nghệ sĩ trong nhà hát phải tự viết kịch bản”, NSƯT Chí Trung chia sẻ.
Các đơn vị nghệ thuật đổi mới cách dàn dựng cho thiếu nhi bằng việc đưa vào nhiều nhân vật được trẻ em yêu thích. |
Nói về những khó khăn của sân khấu thiếu nhi, NSƯT, đạo diễn Sĩ Tiến cho biết, không thể cứ diễn mãi những tích truyện cũ theo phương pháp cũ, mà cần có sự đổi mới trong cách thể hiện để bắt kịp với nhu cầu, tâm lý của trẻ em. Các vở diễn bây giờ không chỉ đơn thuần là diễn thoại mà còn cần được đầu tư công nghệ, hấp dẫn cả phần nhìn. Vì thế, hiện nay, nhiều đơn vị nghệ thuật chỉ có thể đầu tư dàn dựng được 1-2 vở cho thiếu nhi trong một năm.
Theo NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam, cái khó của dàn dựng sân khấu cho thiếu nhi là các nghệ sĩ phải nắm bắt được tâm lý của trẻ và dùng chính cách nhìn của trẻ để dàn dựng thì chương trình mới hiệu quả. Để thực hiện việc này, các nhà hát có khi mất cả năm để lên kế hoạch.
Sân khấu thiếu nhi đang có bước chuyển đáng kể và đang trở thành một mảng sân khấu có thể giúp các nhà hát cân bằng doanh thu. Nhiều nhà hát bước đầu đã chú trọng đầu tư hơn cho các vở diễn như sử dụng màn hình led, công nghệ khói, trang phục thiết kế riêng cho từng vở diễn…
Dù vậy, để khai thác được tối đa, hiệu quả mảng sân khấu này, các đơn vị nghệ thuật không những phải đầu tư về công nghệ mà còn cần sự nghiêm túc và có kế hoạch rõ ràng trong khâu tổ chức, từ việc đặt kịch bản đến dàn dựng. Nếu chỉ thực hiện theo kiểu “ăn đong” mùa vụ thì chắc chắn, vở diễn sẽ khó có sức sống lâu bền. Thực tế, đã có không ít đơn vị, cá nhân dựng vở thiếu nhi gặp thất bại vì sản phẩm làm vội, không đủ chất lượng để đáp ứng nhu cầu của khán giả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.