Tổng cộng, cao điểm phục vụ dịp Tết, bình quân tại sân bay Tân Sơn Nhất có gần 90 chuyến bay chậm chuyến/ngày. Trong đó, VietJet Air có 51 chuyến/ngày; Jetstar Pacific 20 chuyến/ngày, Vietanm Airlines 16 chuyến/ngày.
Hiệu ứng chậm chuyến bay dây chuyền
Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất thống kê: Từ ngày 20-1 - 19-2, sân bay phục vụ hơn 4 triệu lượt khách. Bình quân có hơn 134.200 khách đi và đến sân bay/ngày, tăng khoảng 17.500 khách so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, tần suất bay trung bình đạt 820 chuyến/ngày, tăng 70 chuyến so với dịp Tết năm ngoái. Đặc biệt, đầu năm nay có thêm Bamboo Airways mới hoạt động, khiến sân bay Tân Sơn Nhất càng gia tăng áp lực vận tải. Riêng ngày 2-2, có đến 900 chuyến máy bay cất/hạ cánh (mức cao nhất từ trước tới nay). Ngày cao điểm sau Tết (10-2) cũng có đến 890 chuyến.
Việc quy hoạch, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đang là yêu cầu cấp thiết trước tình trạng quá tải hiện nay. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Theo Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam Đỗ Tất Bình, để giảm tải áp lực về điểm đỗ máy bay, Tổng công ty đã gấp rút hoàn thành dự án mở rộng thêm 8 sân đỗ máy bay khu vực phía Bắc và vừa hoàn thiện vừa đưa vào khai thác 29 điểm đỗ tại khu vực 20 ha đất quân sự bàn giao từ trước Tết, với tổng mức đầu tư mở rộng sân đỗ khoảng 1.770 tỷ đồng.
Mặc dù các điểm đỗ đã được tăng thêm, nhưng với lượng hành khách tăng mạnh, đã dẫn đến ùn tắc sân bay, kéo theo tình trạng chậm huỷ chuyến dây chuyền diễn ra thường xuyên.
Tổng cộng, cao điểm phục vụ dịp Tết, bình quân tại sân bay Tân Sơn Nhất có gần 90 chuyến bay chậm chuyến/ngày. Trong đó, VietJet Air có 51 chuyến/ngày; Jetstar Pacific 20 chuyến/ngày, Vietanm Airlines 16 chuyến/ngày.
Chí phí phát sinh tăng cao
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, tăng trưởng doanh thu của các hãng hàng không vào các dịp cao điểm lễ, Tết rất lớn. Nhu cầu đi lại của người dân dịp này là “thời điểm vàng” để các doanh nghiệp hàng không tăng doanh thu bù chi cho thời gian thấp điểm, với nhiều chuyến bay “rỗng”.
Tình trạng ùn tắc hàng không và sân bay ản hưởng lớn đến doanh thu của các hãng hàng không. Cụ thể, một chuyến bay chặng Hà Nội – TP Hồ Chí Minh chỉ 1 giờ 30 phút, nhưng dịp cao điểm có khi kéo dài đến 2 giờ, thậm chí hơn, vì máy bay phải bay “lòng vòng”, không hạ cánh được vì thiếu điểm đỗ.
Theo các chuyên gia hàng không, nếu giảm được 5 phút bay/chuyến, thì mỗi năm, ngành Hàng không sẽ tiết tiết kiệm được khoảng 100 tỷ đồng. Song, việc phải bay “lòng vòng” khoảng 30 phút trên trời, khiến chi phí phát sinh rất lớn. Tùy loại máy bay mà chi phí vận hành sẽ tăng lên từ 8.000 - 12.000 USD/giờ, trong khi lượng dầu tiêu hao thêm khoảng 2 - 3 tấn dầu/chuyến bay. Trung bình, một máy bay mỗi ngày có lịch khai thác 4 chuyến nội địa như của Vietnam Airlines, trong giai đoạn cao điểm khai thác 400 chuyến bay/ngày, sẽ phát sinh thêm hàng triệu USD/ngày…
Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đang là yêu cầu cấp thiết, vì theo lộ trình sẽ phải hoàn thành nhà ga T3 vào năm 2020, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được triển khai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.