(HNMO) - Ngày 17-2, tại sân bay Tân Sơn Nhất, đã có thêm làn xe công nghệ đón khách ngay tầng 1 của nhà để xe, tạo thuận lợi cho khách đến thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để xử lý triệt để tình trạng khách xuống máy bay khó tìm xe về nhà như những ngày qua, cần những giải pháp toàn diện hơn.
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới ngày 17-2 cho thấy, tại sân bay Tân Sơn Nhất, đã có thêm làn cho xe công nghệ vào tầng trệt của nhà để xe sân bay để đón khách từ sân bay về thành phố, với 10 điểm đỗ xe, chia đều cho các hãng Grab và BeCar. Với làn xe mới này, khách xuống máy bay muốn đi xe công nghệ về các nơi không còn phải xách đồ leo lên các tầng 2, 3, 4 của nhà để xe sân bay như trước nữa.
Nói về vấn đề bố trí lượng xe, làn xe đón khách trong sân bay Tân Sơn Nhất, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho biết, Sở không thể trực tiếp bố trí việc này. Bên trong sân bay thuộc thẩm quyền quản lý của Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trực thuộc Cảng vụ Hàng không miền Nam (Tổng công ty Hàng không Việt Nam).
“Chúng tôi chỉ có thẩm quyền bảo đảm an toàn giao thông bên ngoài sân bay và phối hợp với các cơ quan quản lý sân bay Tân Sơn Nhất tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho hành khách đi và rời Tân Sơn Nhất... Về phía thành phố, cũng đã bố trí 2 tuyến xe buýt có điểm chờ trong sân bay, nhưng chưa thu hút được sự quan tâm của hành khách”, ông Bùi Hòa An nói.
Đó là 2 tuyến xe buýt từ sân bay về nội đô thành phố Hồ Chí Minh và đến thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và ngược lại. Hiện, cơ quan quản lý sân bay Tân Sơn Nhất bố trí điểm chờ của 2 tuyến xe này bên nhà ga quốc tế, trong khi khách đến ga quốc nội rất đông. Việc đi lại giữa hai nhà ga chưa thuận lợi, nên ít hành khách đi xe buýt tại sân bay.
“Sở Giao thông Vận tải thành phố đã đề xuất cơ quan quản lý sân bay Tân Sơn Nhất bố trí điểm chờ xe buýt thuận lợi hơn cho hành khách đến ga quốc nội và đang chờ trả lời. Cùng với đó, chúng tôi mong muốn người dân có thể sử dụng thêm xe buýt để đến và đi từ sân bay”, ông Bùi Hòa An thông tin thêm.
Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, việc những ngày qua, nhiều hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất khó tìm được phương tiện để về nhà có 3 nguyên nhân chính. Một là, lượng hành khách vượt quá dự báo của cơ quan chức năng. Hai là, sau cao điểm chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh, rồi nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, lượng tài xế taxi, tài xế xe công nghệ quay lại làm việc chưa nhiều, khiến các hãng xe chỉ hoạt động được 50% công suất. Ba là, mặt bằng bên trong sân bay chật hẹp, khó bố trí thêm luồng tuyến, chỗ dừng đỗ xe đón khách.
Để giải quyết các vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai những giải pháp toàn diện, điển hình là việc xây thêm nhà ga T3 với công suất 20 triệu hành khách một năm và các công trình phụ trợ đồng bộ với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, phục vụ khai thác nội địa tại sân bay Tân Sơn Nhất để giảm tải cho nhà ga T1, hiện đã quá tải. Công trình này dự kiến hoàn thành sau 37 tháng thi công. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công tác bàn giao mặt bằng vẫn chưa hoàn tất.
“Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều dự án giao thông xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất và đường nối vào nhà ga T3. Chúng tôi rất mong Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam và Cảng vụ Hàng không miền Nam đẩy nhanh tiến độ các dự án, tăng năng lực thông quan với hành khách và hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên, tạo thuận lợi nhiều nhất cho hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian tới, nhất là khi các đường bay quốc tế đang nâng tần suất hoạt động và hoạt động du lịch được mở lại từ đầu tháng 3-2022”, ông Bùi Hòa An chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.