(HNM) - Hiện nay vấn đề tiêu thụ rau an toàn (RAT) đang là cản trở lớn đối với người sản xuất. Tuy nhiên, trong khi nhiều mô hình sản xuất RAT đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ thì mô hình sản xuất RAT tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm đã giải được bài toán tiêu thụ và trở thành mô hình sản xuất RAT lớn nhất Thủ đô.
Chăm sóc rau an toàn tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm. Ảnh: Phương An |
Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất
Là xã ngoài bãi, không có đất lúa, 100% hộ dân Văn Đức sống nhờ thâm canh, luân canh, tăng vụ rau màu với 250ha rau hàng hóa. Hiện toàn xã có 25ha rau được trồng theo tiêu chuẩn VietGap và 225ha còn lại theo tiêu chuẩn RAT. Gần 10 năm trồng RAT đến nay, 100% hộ dân tham gia đăng ký sản xuất RAT đều trải qua các lớp tập huấn về quy trình sản xuất RAT của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội tổ chức. Toàn bộ vùng RAT Văn Đức đều nằm trong vùng quy hoạch mạng lưới sản xuất RAT của Hà Nội đến năm 2020. Mỗi hộ sản xuất rau được cấp sổ nhật ký đồng ruộng cập nhật đầy đủ thông tin sản xuất, thời gian bón phân, lượng và loại phân bón, thời gian phun thuốc và nhãn hiệu thuốc sử dụng… Chính việc tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất RAT nên Văn Đức đã xây dựng được thương hiệu và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Đối với 25ha rau theo tiêu chuẩn VietGAP, quy trình sản xuất chịu chi phí cao hơn và tuân thủ nhiều quy định. Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết, theo tiêu chuẩn VietGap, đất ở vùng trồng rau phải lựa chọn để không bị ảnh hưởng của chất thải công nghiệp hoặc các chất ô nhiễm. Về phân bón chỉ cho phép dùng phân hữu cơ như phân xanh, phân chuồng đã được ủ mục, tuyệt đối không dùng các loại phân hữu cơ còn tươi và phải kết thúc bón phân trước khi thu hoạch 15-20 ngày. Ngoài việc sử dụng nước tưới sạch còn phải chọn giống sạch bệnh và trồng trong nhà lưới để bảo đảm an toàn. Hiện 25ha rau VietGAP được Công ty TNHH Hương Cảnh đầu tư xây dựng nhà sơ chế và ký hợp đồng bao tiêu rau thường xuyên. Việc RAT được gắn nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ đã biến vùng đất bãi này thành vùng trồng RAT hàng hóa có thương hiệu lớn nhất Thủ đô.
Mang RAT đến từng hộ dân
Hà Nội hiện có trên 3.200ha RAT, đáp ứng hơn 20% nhu cầu tiêu thụ rau của người dân trên địa bàn. Không chỉ RAT, toàn bộ diện tích đất trồng rau của Hà Nội cũng mới cung cấp được hơn 60% nhu cầu về rau xanh cho người tiêu dùng Thủ đô. Do đó, không thể nói rau xanh ở Hà Nội đã thừa hoặc "ế". Song người trồng rau vẫn gặp khó khăn do giá quá rẻ, tốc độ tiêu thụ chậm khi rau vào mùa thu hoạch. Theo ông Chử Đức Nhị - Chủ nhiệm HTX Văn Đức, Công ty TNHH Hương Cảnh hiện đang cung cấp sản phẩm cho nhiều cửa hàng trong chuỗi siêu thị Hapro, Fivimar, Metro, CoopMart và nhiều bếp ăn tập thể trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ ở hệ thống siêu thị còn ít, chủ yếu vẫn là HTX tự lo đầu ra. Hiện nay, Ban Chủ nhiệm HTX đang tích cực tiếp thị, quảng bá sản phẩm không chỉ ở quanh Hà Nội mà cả các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng...
Theo bà Nguyễn Thị Hoa, để từng bước tháo gỡ khó khăn về mạng lưới phân phối rau còn mỏng, người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng vào RAT, Chi cục BVTV đang xây dựng mô hình cung cấp RAT tới từng khu tập thể, khu dân cư. Bước đầu chi cục sẽ tiến hành khảo sát, chọn ra tổ trưởng các khu, trung bình mỗi khu từ 10 hộ trở lên. Tổ trưởng có nhiệm vụ thống kê số lượng rau, chủng loại rau của những người trong khu, gọi đến các công ty kinh doanh RAT để cung ứng tận nơi. Hiện đang có rất nhiều công ty ủng hộ phương án trên và sẵn sàng tham gia. Chi cục BVTV đang đề nghị Sở NN&PTNT, UBND TP hỗ trợ một phần kinh phí cho tổ trưởng các khu nếu mô hình đi vào hoạt động. Tuy nhiên, để RAT đến với người tiêu dùng thì ý thức dùng sản phẩm sạch của người tiêu dùng phải được nâng cao. Chính sự "dễ dãi" trong việc chọn lựa những sản phẩm không an toàn của người tiêu dùng khiến không ít các sản phẩm nông sản sạch rơi vào cảnh ế ẩm và rớt giá chứ không riêng RAT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.