Chính trị

Rà soát văn bản quy phạm pháp luật cần hạn chế tiến hành theo đợt

Bảo Hân 01/11/2023 - 17:04

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản và cần thường xuyên tiến hành, hạn chế tối đa việc thực hiện theo từng đợt như thời gian qua.

bt-llt.jpeg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo trước Quốc hội chiều 1-11.

Chiều 1-11, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo, làm rõ thông tin về một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến Báo cáo số 587/BC-CP ngày 20-10-2023 của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Đây cũng là nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận và tranh luận của các đại biểu trong hơn 1 ngày vừa qua.

“Có tổng số 523 văn bản ở các mức khác nhau, từ luật cho đến thông tư đã được nghiên cứu, xem xét và chúng tôi cũng lọc ra vấn đề thế nào gọi là mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập và vướng mắc...”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu.

"Qua rà soát cho thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Số lượng các vấn đề vướng mắc, bất cập là có", Bộ trưởng Lê Thành Long nêu. Ông lấy ví dụ Luật Kinh doanh bất động sản (năm 2014), Luật Đầu tư (năm 2020) về xử lý, thu hồi các cái dự án bất động sản hoặc Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập… đang tồn tại mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập.

“Những kết quả báo cáo Quốc hội chỉ là bước đầu, được coi như một nguồn thông tin đầu vào cho các cấp, ngành đề xuất theo thẩm quyền việc sửa đổi, bổ sung các văn bản”, Bộ trưởng nêu.

Về phương án xử lý với những dự án luật chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, 2024, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các bộ, ngành được giao thực hiện đẩy nhanh tiến độ, chủ động đề xuất bổ sung đưa vào chương trình. Các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng cần đẩy nhanh tiến độ để sửa đổi, bổ sung trong cuối năm 2023, đầu năm 2024.

“Việc rà soát theo quy định của pháp luật về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản. Chúng ta phải thường xuyên tiến hành, cố gắng hạn chế đến mức tối đa việc thực hiện theo từng đợt như thời gian qua”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu cuối phần báo cáo ngắn trước Quốc hội.

nguyen-thi-hong-hanh.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh).

Trước đó, tại phiên thảo luận trong chiều nay, 2 đại biểu Đoàn thành phố Hồ Chí Minh cùng phát biểu, tranh luận về nội dung này.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển nhấn mạnh ý nghĩa của việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và đề nghị việc rà soát không dừng ở đây, thực hiện theo đợt mà phải tiến hành thường xuyên và kết quả rà soát cần phải thực hiện để làm thông tin dữ liệu đầu vào phục vụ nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nêu, theo báo cáo rà soát, chỉ có 6,5% là văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, phần lớn là văn bản có bất cập, vướng mắc, tập trung ở các văn bản dưới luật.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị báo cáo cần phân tích cụ thể hơn các nguyên nhân chủ quan của tình trạng này. Đó là do cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực hiện nghiêm quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay việc lấy ý kiến chưa đầy đủ hoặc việc đánh giá tác động của chính sách chưa sâu, mang tính hình thức hay là việc tiếp thu, giải trình của các cơ quan soạn thảo có lúc còn mang tính chủ quan.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rà soát văn bản quy phạm pháp luật cần hạn chế tiến hành theo đợt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.