(HNM) - Đất đai là một trong những nguồn lực rất quan trọng để phát triển và thực tế nguồn tài nguyên này đang đóng góp đến 80% vốn phát triển của Hà Nội. Năm 2017, thành phố thu hơn 33.708 tỷ đồng tiền sử dụng đất, hơn 4.847 tỷ đồng tiền thuê đất. Các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất đã góp phần phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, nhà ở... trên địa bàn Thủ đô.
Tuy nhiên, với một đô thị có tốc độ phát triển nhanh như Hà Nội, hiện quỹ đất để đầu tư phát triển đã ngày càng thu hẹp. Và Hà Nội cũng phải đối mặt với nhiều hệ lụy từ hàng loạt dự án chậm triển khai, dẫn đến lãng phí đất đai, gây bức xúc trong dư luận...
Vấn đề thu hút sự quan tâm của người dân hiện nay là tình trạng nhà đầu tư "ôm" đất, trong khi công tác quản lý nhà nước chưa thực sự triệt để. Những dự án chậm đưa đất vào sử dụng, tiến độ triển khai "rùa bò", sử dụng sai mục đích, để hoang hóa... tồn tại ở nhiều quận, huyện, không chỉ gây lãng phí tài nguyên, tác động tiêu cực đến kinh tế Thủ đô, mà còn ảnh hưởng xấu đến bộ mặt và cuộc sống của người dân xung quanh dự án. Việc "lập lại trật tự" trong vấn đề này là một yêu cầu cần thiết, phải làm rốt ráo.
Thực tế những năm gần đây, việc kiểm soát sử dụng đất đã được thành phố triển khai chặt chẽ và hiệu quả hơn. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử lý và thu hồi nhiều dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Ðất đai, với tổng diện tích thu hồi hơn 1.800ha của các dự án có sai phạm từ năm 2009 đến nay. Tuy nhiên, cùng với tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng thì kết quả xử lý các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai còn ì ạch và gặp không ít khó khăn.
Tại Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVI) tổ chức tháng 4-2018, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh tới nhiệm vụ nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai. Trước đó, tháng 1-2018, UBND thành phố có Công văn số 278/UBND-ĐT triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3-1-2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, trong đó yêu cầu cơ quan chức năng phải tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện, thị xã và các đối tượng sử dụng đất; rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng đã quá ba năm chưa thực hiện theo quy định của pháp luật.
Những biện pháp quyết liệt đối với những chủ đầu tư kém năng lực lúc này là cần thiết nhằm thu hồi những dự án không còn đủ điều kiện, khả năng thực thi. Các quận, huyện, thị xã, sở, ngành kiên quyết không xem xét, giao dự án mới cho các nhà đầu tư có dự án chậm triển khai, vi phạm hoặc chưa khắc phục vi phạm; không xem xét gia hạn, điều chỉnh đối với dự án chậm triển khai, kéo dài mà chủ đầu tư không còn năng lực, nợ tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất, vi phạm Luật Đất đai... Khi đã làm nghiêm túc, nghiêm khắc thì chắc chắn sẽ xóa bỏ được tình trạng chủ đầu tư "ôm" đất, rồi chây ỳ.
Đối với những dự án còn vướng mắc do cơ chế chính sách hoặc yếu tố khách quan, cần có sự phối hợp cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, động viên doanh nghiệp và chủ đầu tư. Bên cạnh đó là tăng cường hậu kiểm các dự án, định kỳ thực hiện công khai tên các dự án, nhà đầu tư chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai để cử tri và nhân dân giám sát.
Rõ ràng, dù thế nào thì thái độ quyết liệt và trách nhiệm của cơ quan quản lý sẽ vẫn là yếu tố quyết định. Dứt khoát phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kể cả với cán bộ để xảy ra sai phạm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.