(HNM) - Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên là biện pháp cần thiết để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước. Năm 2017, TP Hà Nội đã giảm tỷ lệ chi thường xuyên còn 53,5%; tiết kiệm gần 3.000 tỷ đồng.
Năm 2017, quận Hà Đông là một trong 8 đơn vị thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công đạt kết quả tích cực. Ảnh: Bá Hoạt |
Tiết kiệm gần 3.000 tỷ đồng
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, năm 2017, cùng với việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư, công tác chi thường xuyên của TP Hà Nội đã được triển khai theo hướng tiết kiệm, hiệu quả. Nhiều khoản chi thường xuyên được cắt giảm theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Bên cạnh việc triển khai mua sắm tập trung, bảo đảm công khai, minh bạch, TP Hà Nội đã thí điểm khoán kinh phí sử dụng ô tô công tại 8 đơn vị trên địa bàn và đạt được kết quả tích cực.
Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy, nhờ rà soát, cơ cấu lại các khoản chi thường xuyên, thành phố đã tiết kiệm gần 3.000 tỷ đồng trong năm 2017. Ông Hà Minh Hải, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, ngay sau khi Trung ương phân bổ giao dự toán, Sở Tài chính đã tham mưu cho thành phố, rà soát định mức nhằm tiết kiệm chi thường xuyên. Đơn vị cũng thẩm tra phương án phân bổ dự toán cho các sở, ngành, quận, huyện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Trong tổng chi ngân sách địa phương năm 2017 ước thực hiện 75.205 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển là 33.106 tỷ đồng, đạt 101,2% dự toán; chi thường xuyên là 40.752 tỷ đồng, bằng 98% dự toán. Tỷ trọng chi thường xuyên trong phân bổ và điều hành ngân sách giảm từ 55,5% xuống còn 53,5%. Chỉ tính riêng việc triển khai mua sắm tập trung, ngân sách thành phố đã tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng.
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chi thường xuyên bao gồm các khoản thanh toán cho cá nhân như tiền lương, tiền công, phụ cấp lương...; các khoản chi nghiệp vụ chuyên môn như thanh toán dịch vụ công, vật tư văn phòng, công tác phí; chi mua sắm tài sản, trang thiết bị, phương tiện... Vì vậy, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các khoản chi thường xuyên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phân phối và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính của địa phương, tạo điều kiện giải quyết tốt mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng. Chi thường xuyên hiệu quả và tiết kiệm cũng sẽ tăng tích lũy vốn ngân sách để chi cho đầu tư phát triển, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, nâng cao niềm tin của nhân dân vào vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước.
Quyết liệt để giảm chi thường xuyên dưới 50%
2018 được nhận định là năm có nhiều thách thức đối với TP Hà Nội, vì vậy trong cuộc làm việc mới đây với Sở Tài chính, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở phải tính toán, phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước để làm tốt công tác điều hành thu chi ngân sách, chuẩn bị các phương án tài chính cho giai đoạn sau; quản lý tốt chi ngân sách, đặc biệt là quản lý các loại chi công ích, bảo đảm lộ trình giảm chi thường xuyên xuống mức dưới 50% vào năm 2020, dành nguồn lực phục vụ cho chi đầu tư phát triển.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải, danh mục công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020 sau điều chỉnh, bổ sung bao gồm 55 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 487.183 tỷ đồng. Đây là thách thức không nhỏ với TP Hà Nội, bởi Thủ đô đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, toàn diện nên nhu cầu vốn đầu tư ngày càng cao, trong khi nguồn thu ngân sách còn eo hẹp.
Để thực hiện hiệu quả dự toán ngân sách năm 2018, Sở Tài chính đã đề nghị các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm, trong đó sẽ triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài. Việc quản lý điều hành ngân sách phải linh hoạt, chặt chẽ, an toàn và bảo đảm cân đối ngân sách các cấp. Các cấp, ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời; quản lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế theo luật định; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu…, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu để tạo nguồn cho các khoản chi quan trọng.
Cũng theo ông Hà Minh Hải, thực hiện phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và chủ đề năm 2018 theo chỉ đạo của Thành ủy “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, thời gian tới, Sở Tài chính sẽ tập trung xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn giai đoạn 2019 - 2021, thực hiện công tác quản lý, điều hành ngân sách năm 2018 theo hướng chủ động, tích cực, bảo đảm an sinh xã hội và cân đối ngân sách, hạn chế tối đa tình trạng phân bổ chậm tại các đơn vị.
Ngoài ra, Sở cũng sẽ tăng cường các giải pháp quản lý, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài sản nhà nước, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội bảo đảm nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ chi cho các dự án trọng điểm, quan trọng của Thủ đô; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên, dành nguồn chi cho đầu tư phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.