Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyền lợi của người tiêu dùng từng bước được bảo đảm

Hồng Sơn| 01/10/2011 06:58

(HNM) - Những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện "Chương trình hành động vì quyền lợi người tiêu dùng - NTD" của Hà Nội thời gian qua (từ tháng 3 đến tháng 7-2011) và những bài học kinh nghiệm đã được đề cập khá rõ tại hội nghị tổng kết do Sở Công thương tổ chức ngày 29-9…

Chương trình hành động vì quyền lợi người tiêu dùng là chuỗi hoạt động với nhiều sự kiện khác nhau diễn ra dồn dập, có sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp (DN) thương mại, dịch vụ nhằm gia tăng bán hàng, tự giác cam kết thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo đảm quyền lợi NTD. Đó cũng là phản hồi tích cực cho sự chỉ đạo sâu sát của UBND TP Hà Nội, diễn ra vào thời điểm trước, trong và sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu lực (1-7-2011). Trên địa bàn TP đã diễn ra nhiều cuộc hội thảo, gặp gỡ giữa DN và các hiệp hội, đại diện NTD hoặc với cơ quan quản lý nhằm tuyên truyền cụ thể về nội dung của luật, nhấn mạnh 8 quyền của NTD. Đại diện Sở Công thương khẳng định, công tác truyền thông đã được triển khai nhanh, dưới nhiều hình thức và phong phú về nội dung. Thời gian qua, đã có 181 tin, bài với nội dung liên quan đến quyền lợi NTD được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng bên cạnh 1.300 khẩu hiệu, tờ rơi, biển hiệu cùng những hoạt động quảng bá ở một số địa điểm công cộng.

Quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng được bảo đảm. Ảnh: Trung Kiên

Để tăng cường sức lan tỏa của chương trình, TP Hà Nội cho phép Tổng đài điện thoại 04.1081 đảm nhận vai trò hỗ trợ, tư vấn tiêu dùng và giải đáp thông tin cho khách hàng và trên thực tế tổng đài này đã trở thành người bạn "tâm giao" của không ít NTD. Tính sơ bộ, tổng đài đã tiếp nhận hơn 5.000 cuộc gọi, trong đó chủ yếu nêu câu hỏi về quyền lợi của NTD, đề cập khả năng khiếu kiện, yêu cầu bồi hoàn khi mua phải hàng không rõ xuất xứ, không đúng chất lượng hay đề nghị được kết nối với cơ quan quản lý để giải quyết. Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công thương kêu gọi các DN thực hiện "Tuần bán hàng vì NTD" tại 35 điểm bán hàng, phần lớn thuộc những siêu thị, DN lớn có uy tín, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu. Ban tổ chức đã khảo sát, thu thập ý kiến khách hàng và đưa ra kết quả: Có hơn 98% số khách đánh giá chất lượng hàng hóa bán ra là tốt, được niêm yết rõ giá bán, đúng chất lượng cùng thái độ phục vụ chu đáo.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu đã đánh giá cao những kết quả và ảnh hưởng rộng rãi của “Chương trình hành động vì quyền lợi NTD”. Chương trình này đã thu hút sự vào cuộc của các cơ quan, lực lượng liên quan và người NTD. Hiện, sức lan tỏa của chương trình vẫn đang tiếp diễn, góp phần kích thích đà tăng trưởng của thị trường bán lẻ trong bối cảnh trầm lắng do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế. Đáng lưu ý, phần lớn sản phẩm bán ra đều là hàng nội, từ đó góp sức duy trì hoạt động sản xuất cho khối DN trực tiếp sản xuất. Rõ ràng, việc bán hàng nội đã được lồng ghép và làm sâu sắc thêm ý nghĩa của các phong trào như "Đưa hàng Việt về nông thôn", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". TP và các cơ quan chức năng sẽ rút kinh nghiệm, quyết tâm bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi NTD, từng bước hình thành và phổ cập văn minh thương mại. Mỗi cơ quan, cá nhân cần chủ động nâng cao ý thức, nghiệp vụ để cải thiện sức cạnh tranh trong môi trường kinh doanh, kết hợp đẩy lùi tiêu cực, gian lận thương mại.

Các DN cũng khẳng định chủ trương đúng đắn của TP Hà Nội, thừa nhận tác dụng "nhiều trong một" của chương trình, đồng thời cam kết giữ chữ "tín" với NTD. Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc siêu thị BigC Thăng Long cho biết, tham gia chương trình này, DN có thêm cơ hội thâm nhập thị trường, thu hút được nhiều khách, bán được nhiều hàng hơn, doanh thu tăng 25-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn vị đã chủ động đưa ra một số phương án kinh doanh phù hợp, chủ yếu là khuyến mãi, quà tặng hoặc tăng thêm dịch vụ đối với khách hàng. Việc gia tăng nhịp độ kinh doanh cũng là dịp để đội ngũ nhân viên rèn luyện, nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ, nhất là học cách ứng xử, kỹ năng xử lý mâu thuẫn và tư vấn tiêu dùng cho khách hàng. Từ hiệu quả thu được, ông Nguyễn Trọng Tuấn bày tỏ mong muốn sẵn sàng tham gia các hoạt động tương tự của TP trong những năm tới.

Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định, thông qua chương trình, NTD đã thực hiện quyền của mình, đòi hỏi bên bán hàng thỏa mãn những yêu cầu hợp lý. Đây là một chuyển biến đáng mừng bởi trước đây vấn đề này hầu như chưa hình thành trong tâm thức giới tiêu dùng. Qua đó, NTD ngày càng chủ động thông tin với nhau, hỗ trợ nhau và đi đến cùng để đòi quyền lợi khi bị xâm hại. Cùng với đó, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời giữa các ngành chức năng là yêu cầu cấp thiết để nhân rộng ý nghĩa chương trình này cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tránh tình trạng thiếu thông tin, thông tin không đầy đủ, hoặc nhiễu loạn làm ảnh hưởng đến NTD…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyền lợi của người tiêu dùng từng bước được bảo đảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.