(HNM) - Tiếp theo chương trình làm việc của Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ngày 9-9, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến vào dự án Luật Về hội.
Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo - Bộ Nội vụ: Nên quy định theo hướng hội không đăng ký và hội có đăng ký. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, tất cả các hội đều phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước, dù ở bất cứ hình thức nào với quy trình cụ thể, thuận tiện, khoa học.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, quyền lập hội được xác định là quyền sáng lập hội, quyền của một người, một số người họp nhau lại. Đăng ký thành lập hội cũng là quyền. Song, thực tế cho thấy, nhiều hội không đăng ký nhưng vẫn hoạt động rất tốt. Vì vậy, luật tiếp cận dưới quan điểm đăng ký thành lập hội là quyền có thể đăng ký hay không là phù hợp. Những hội không đăng ký, không thể có tư cách pháp nhân. Hội muốn đăng ký phải đủ điều kiện pháp nhân để đăng ký.
Bày tỏ quan tâm đến các tổ chức phi chính phủ, các hội do tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần nghiên cứu thêm. Đây là vấn đề phức tạp, có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro chính trị mà chúng ta chưa lường hết được. Trước mắt, dự thảo luật này chỉ nên tập trung quy định về việc thành lập hội của tổ chức, cá nhân trong nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.