Kinh tế

Đại biểu Quốc hội chỉ rõ "điểm nghẽn" để có giải pháp phù hợp phát triển KT-XH

Mai Hữu - Thanh Hà 26/10/2024 - 13:23

Sáng 26-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và một số nội dung quan trọng khác.

to8.jpg
Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì phiên họp tại tổ. Ảnh: Mai Hữu

Kinh tế phục hồi tích cực nhưng vẫn nhiều tồn tại

Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội đánh giá, trong bối cảnh, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; bão số 3 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, song tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tiếp tục đà phục hồi tích cực, đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra…

Đóng góp ý kiến về những vấn đề còn tồn tại thời gian qua, về giải ngân vốn đầu tư công, đến nay chưa đạt 50% kế hoạch năm 2024, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân và giải pháp để từ nay đến hết năm 2024 nhằm hoàn thành việc giải ngân theo kế hoạch.

to2.jpg
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) phát biểu thảo luận. Ảnh: Thanh Hà

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) phân tích, tỷ lệ số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng qua là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, tỷ lệ doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường cũng cần được xem xét, đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân, cả về chủ quan và khách quan, để có hướng giải quyết.

Về chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đề nghị không nên dùng chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân bởi chỉ tiêu này chỉ phù hợp với khoảng 10 năm trước, hằng năm đều đạt và vượt.

“Quan trọng nhất là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trên giường bệnh đó hơn là việc tăng số lượng giường bệnh. Chỉ tiêu này chỉ mang tính hình thức, nên thay bằng chỉ tiêu khác như chuyển đổi số trong y tế và chỉ tiêu về chuyển đổi số phải đặt mục tiêu tăng lên hằng năm”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề cập đến vấn đề giá đất "nhảy múa" chưa từng thấy trong các cuộc đấu giá, từ đó đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có cơ chế chặn đứng tình trạng này, không để lại những hậu quả tiêu cực cho đời sống KT-XH.

to3.jpg
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu tại tổ. Ảnh: Quang Phúc

Tháo gỡ vướng mắc về thể chế, động lực phát triển, nguồn nhân lực

Trong bối cảnh tăng trưởng hiện nay, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất làm mới các động lực truyền thống như xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Về xuất khẩu, mặc dù đạt tăng trưởng 15,4% so với cùng kỳ, giá trị gia tăng từ xuất khẩu còn hạn chế vì phần lớn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ tập trung vào gia công.

Để giải quyết, đại biểu khuyến nghị kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, đồng thời phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm tăng giá trị sản phẩm nội địa. Đối với các mặt hàng nông sản, đại biểu đề xuất đầu tư hạ tầng và hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh để giảm chi phí và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu mang thương hiệu Việt.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc cho phát triển, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, việc phân cấp, phần quyền hiện nay chưa rõ ràng, mạch lạc, chưa đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng lợi”.

“Nếu đã quyết “cởi trói” thì cần xác định rõ nội dung, phần việc, trách nhiệm cụ thể, tránh việc nhùng nhằng, không dứt khoát, “nửa muốn, nửa không” khiến địa phương rất khó thực hiện”, đại biểu Dương Văn Phước nói và cho rằng để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thì pháp luật phải tường minh, quy định rõ hơn, cụ thể hơn.

to4.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) thảo luận. Ảnh: Châu Vũ

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Chính phủ triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, cũng như các chính sách về tín dụng - tiền tệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các ngành, lĩnh vực bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 vừa qua, nhằm thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ.

Nhấn mạnh con người là trung tâm và là động lực phát triển, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng cần đầu tư mạnh mẽ vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn như bán dẫn. Đại biểu cũng cho rằng hoàn thiện thể chế là vấn đề cốt lõi, đồng thời đề xuất cần có sự đánh giá toàn diện về xã hội hóa giáo dục và y tế, cùng với việc xác định vai trò của đầu tư công và tư nhân.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị Chính phủ công bố mức sống và tiền lương tối thiểu để các địa phương dễ dàng thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động có thu nhập thấp...

to6.jpg
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) phát biểu thảo luận. Ảnh: Thanh Hà

Tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông, phát triển thương mại điện tử

Đề xuất giải pháp phát triển thời gian tới, đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, tại hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, vẫn còn hiện tượng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm và gây bức xúc cho người tham gia giao thông, ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển KT-XH.

“Trước thực trạng nêu trên, theo tôi Chính phủ nên giao các cơ quan chức năng có nghiên cứu, đánh giá để sớm có chính sách đầu tư áp dụng hệ thống xe buýt đưa đón học sinh có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước mà trước mắt thí điểm áp dụng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh”, đại biểu

to5.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Mai Hữu

Thảo luận tại tổ, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, gần đây có quảng cáo của sàn giao dịch Temu rất rầm rộ, giảm giá mạnh đến 70%. Đây là sự cảnh báo rất lớn, có thể người dân tập trung mua và không còn thị trường trong nước, quan ngại hàng giá rẻ này sẽ triệt tiêu hàng hóa trong nước.

“Chúng ta cần có hành động, không thể cấm nhưng phải có kiểm soát về chất lượng hàng hóa, thời gian qua đã có hàng nước ngoài nhưng dán mác Việt Nam”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Cùng với đó, đại biểu cho rằng cần xem chính sách miễn thuế nhập khẩu với hàng hoá giá trị dưới 1 triệu đồng; tăng cường năng lực cho các sàn thương mại điện tử trong nước để tránh tạo điều kiện cho hàng hoá nước ngoài tràn vào.

“Hoạt động thương mại điện tử có đến trên 95% là sàn giáo dịch nước ngoài, cần có chính sách gây dựng sàn trong nước. Tôi cho rằng gắn liền với kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, cần có chính sách phát triển sàn giao dịch trong nước để phát triển kinh tế số”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

to1.jpg
Quang cảnh thảo luận tại Đoàn Hà Nội, sáng 26-10. Ảnh: Mai Hữu

Về nguồn gốc hàng hóa kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) cho rằng đa dạng nguồn gốc hàng hóa có 2 mặt, mặt tích cực đối với người tiêu dùng đó là rất dễ mua sắm, mang lại nhiều tiện lợi cho người dân. Ngược lại, mặt tiêu cực đó là hàng hóa nước ngoài đang giết chết dần, chết mòn các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước bởi hàng Việt không thể cạnh tranh về giá cả, mẫu mã.

“Từ đó, tôi đề xuất Chính phủ cần có giải pháp chỉ đạo kiên quyết, dứt khoát, hiệu quả để vừa khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy phát triển, vừa bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trong nước, cũng không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng trong nước”, đại biểu nói.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn cũng đề xuất Chính phủ cần quản lý, kiểm soát và triệt phá hiệu quả các vụ án tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng xã hội, có hướng chỉ đạo “Xây dựng Trung tâm xử lý thông tin khẩn cấp” trên cơ sở phối hợp giữa 3 lực lượng là công an - ngân hàng - viễn thông để nhanh chóng xác định số điện thoại, dòng tiền và áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời, bắt giữ các đối tượng và thu hồi tiền bị lừa đảo cho người bị hại.

Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng (đại biểu Quốc hội Đoàn Điện Biên) thông tin về việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao.

to7.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Điện Biên) thảo luận tại tổ. Ảnh: Phùng Đô

Theo đại biểu, dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh.

Về nâng cấp tuyến cao tốc 2 làn, đại biểu Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt trong nhiệm kỳ này. Cá nhân Bộ trưởng đánh giá trước đây Quốc hội, Chính phủ quyết định triển khai 2 làn là hợp lý, vì thực tế nhiều tuyến trước đây lưu lượng xe rất thấp, sau một thời gian phát triển rất dài thì nhu cầu nâng cấp là đương nhiên.

Bộ Giao thông Vận tải đang nâng cấp các tuyến 2 làn lên 4 làn và một số tuyến 4 làn hạn chế lên đầy đủ và lớn hơn. Hiện, Bộ đang làm quyết liệt, một số tuyến đang triển khai đầu tư.

“Tuy nhiên, tôi muốn bổ sung thêm thông tin, kinh nghiệm quốc tế cho thấy không nhất thiết phải đường to, rộng. Thống kê nguyên nhân tai nạn, hơn 90% nguyên nhân đến từ ý thức người tham giao thông. Đường càng to ý thức không cao thì tai nạn càng thảm khốc”, đại biểu Nguyễn Văn Thắng nói và cho biết, cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, phải có rất nhiều giải pháp, trong đó có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị mới thay đổi được thói quen, văn hoá giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội chỉ rõ "điểm nghẽn" để có giải pháp phù hợp phát triển KT-XH

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.