(HNM) - Để cung cấp ra thị trường nguồn rau sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm, các địa phương triển khai các vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nhằm giúp nông dân hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết: Tiêu chuẩn VietGAP (TCVN 11892-1:2017) là quy trình thực hành nông nghiệp tốt, với mục đích hướng dẫn các tổ chức và cá nhân sản xuất, sơ chế sản phẩm trồng trọt để bảo đảm an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm; sức khỏe và an toàn lao động đối với người sản xuất; bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Rau an toàn được sản xuất với các bước quy định theo tiêu chuẩn VietGAP như sau.
1. Chọn đất trồng: Đất trồng rau an toàn không bị ô nhiễm, không có tồn dư hóa chất độc hại. Có thể là đất cát pha, đất thịt nhẹ hoặc đất thịt trung bình có tầng canh tác dày (20-30cm). Đất trồng rau phải cao ráo, thoát nước nhanh, xa bệnh viện ít nhất 2km; cách khu chất thải sinh hoạt dân cư ít nhất 200m.
2. Nguồn nước tưới: Sử dụng nguồn nước tưới từ sông không bị ô nhiễm hoặc phải qua xử lý; sử dụng nước giếng khoan (đối với rau xà lách và các loại rau gia vị). Dùng nước sạch để pha phân bón lá và thuốc bảo vệ thực vật.
3. Giống: Nhờ sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, nên nguồn giống rau của nước ta rất phong phú, nhiều giống có khả năng phòng, chống sâu bệnh tốt. Khi chọn giống rau, người dân nên chọn những hạt tốt, cây giống khỏe mạnh, không có mầm bệnh, có lý lịch nơi sản xuất rõ ràng; nếu là giống nhập ngoại phải qua kiểm dịch thực vật. Hạt giống trước khi gieo phải được xử lý hóa chất và nhiệt.
4. Phân bón: Người dân chỉ dùng phân hữu cơ, như: Phân xanh, phân chuồng đã được ủ hoai mục, tuyệt đối không dùng các loại phân hữu cơ còn tươi (phân bắc, phân chuồng, phân rác…), tốt nhất nên sử dụng phân hữu cơ vi sinh. Sử dụng hợp lý và cân đối các loại phân (hữu cơ, vô cơ…). Số lượng phân dựa trên tiêu chuẩn cụ thể quy định trong các quy trình của từng loại rau, đặc biệt đối với rau ăn lá phải kết thúc bón trước khi thu hoạch sản phẩm 15-20 ngày.
5. Phòng trừ sâu bệnh: Nông dân cần áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM (Integrated Pest Management); luân canh cây trồng hợp lý; sử dụng giống tốt, chống chịu sâu bệnh và sạch bệnh. Cùng với đó, chăm sóc theo yêu cầu sinh lý của cây (tạo cây khỏe); thường xuyên vệ sinh đồng ruộng; sử dụng nhân lực bắt giết sâu. Đồng thời, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và theo các yêu cầu sau: Không sử dụng loại thuốc cấm sử dụng cho rau. Chọn các thuốc có hàm lượng hoạt chất thấp, ít độc hại với thiên địch, các động vật khác và con người; ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học (thuốc vi sinh và thảo mộc).
6. Sử dụng một số biện pháp khác: Sử dụng nhà lưới, nhà kính để che chắn: Nhà lưới, nhà kính có tác dụng hạn chế sâu, bệnh, cỏ dại, sương giá, nắng hạn, rút ngắn thời gian sinh trưởng của rau, ít dùng thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, sử dụng màng ni lông để phủ đất sẽ hạn chế sâu, bệnh, cỏ dại, tiết kiệm nước tưới, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
7. Thu hoạch: Người dân cần thu hoạch rau đúng độ chín, đúng theo yêu cầu của từng loại rau, loại bỏ lá già héo, trái bị sâu bệnh và dị dạng; rửa kỹ rau bằng nước sạch, dùng bao túi sạch để chứa đựng.
8. Bảo quản và sử dụng: Rau được bảo quản ở cửa hàng ở nhiệt độ 20 độ C và thời gian lưu trữ không quá 2 ngày. Rau an toàn có thể sử dụng ngay không cần phải ngâm nước muối hay các chất làm sạch khác. Để rau được ngon và tươi, người tiêu dùng nên mua vừa đủ và sử dụng trong ngày.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.