Để giải quyết bài toán tiêu thụ sản phẩm, Hà Nội đang đẩy mạnh việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ rau an toàn. Điều này không chỉ kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ các mặt hàng rau bán trên thị trường, mà còn nâng cao giá bán, góp phần ổn định sản xuất.
Thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) có tổng diện tích canh tác rau 200ha, trong đó có 124ha sản xuất rau an toàn và 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng sản lượng khoảng 35.000 tấn/năm; riêng vùng trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất 600 tấn/năm. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua thông tin, trước đây việc tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả rất khó khăn, lượng rau, củ hợp tác xã cung ứng cho 2 đơn vị bao tiêu (Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco ở tỉnh Bắc Giang và Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco) theo hợp đồng ký kết còn rất hạn chế. Phần lớn sản phẩm do thương lái thu mua, rồi đưa đến các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố hoặc thành viên tự tìm nơi tiêu thụ, thu nhập không ổn định.
Tuy nhiên, thời gian qua, hợp tác xã được các đơn vị chức năng của huyện Mê Linh và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội hỗ trợ xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, củ theo tiêu chuẩn VietGAP. “Tham gia chương trình, thành viên của hợp tác xã được tập huấn, trang bị kiến thức về chuỗi, liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; ký cam kết sản xuất an toàn. Sản phẩm rau, củ của hợp tác xã được cấp tem, mã vạch, mã QR; được thiết kế bộ nhận diện thương hiệu và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, đầu ra của sản phẩm được thuận lợi hơn, thu nhập của người dân được nâng cao”, ông Đàm Văn Đua nhấn mạnh.
Còn Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) Trần Đức Vinh cho biết, xã Yên Mỹ có 91ha rau màu và 19ha cây ăn quả, 30ha sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị, nên trung bình mỗi ngày sản lượng rau bán ra thị trường 1,5 tấn. Không những thế, các thành viên trong hợp tác xã còn được cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội hướng dẫn việc ghi chép sổ sách nhật ký đồng ruộng, cách chăm sóc rau an toàn.
Về hiệu quả của việc phát triển rau an toàn theo chuỗi giá trị, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng đánh giá, Chi cục phối hợp với UBND các xã xây dựng vùng sản xuất rau an toàn áp dụng mô hình kiểm tra cộng đồng PGS. Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm rau an toàn được bảo đảm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nên được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Sản phẩm rau an toàn theo chuỗi giá trị bán ra ổn định và cao hơn so với thị trường từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg; giá trị sản xuất rau an toàn tại các vùng cao hơn 10-20% so với sản xuất rau thông thường.
“Việc hình thành các chuỗi sản xuất rau an toàn không chỉ để các hộ tự kiểm tra chéo lẫn nhau, các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng cung cấp cho đối tác, hạn chế rủi ro khi thị trường biến động về giá cả, mà còn kiểm soát được chất lượng và được người tiêu dùng đón nhận”, bà Lưu Thị Hằng khẳng định.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình trồng rau an toàn theo chuỗi giá trị, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật cắm điểm chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất tại các vùng sản xuất trọng điểm của thành phố. Trong đó, trọng tâm là hướng dẫn người dân sử dụng thuốc tại các vùng sản xuất rau. Đồng thời, cán bộ kỹ thuật chỉ đạo hướng dẫn các mô hình PGS, qua đó nâng cao ý thức cho người dân về hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau; nâng cao tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học... Cùng với đó, Chi cục phối hợp với các huyện để liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra cho các chuỗi rau an toàn, bảo đảm chất lượng, phát triển ổn định, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.