Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch đô thị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững

Hương Ly| 17/06/2022 20:12

(HNMO) - Chiều 17-6, phiên toàn thể Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, ngành tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Chủ trì diễn đàn có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Đại biểu thành phố Hà Nội tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn.

Tham dự phiên họp còn có sự tham gia của 400 đại biểu trực tiếp cùng hơn 2.000 đại biểu dự trực tuyến tại 872 đô thị trong cả nước và một số điểm cầu quốc tế - là các chuyên gia, các nhà khoa học; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương và cộng đồng doanh nghiệp...

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại diễn đàn.

Tạo động lực để phát triển đô thị bền vững

Theo Ban tổ chức diễn đàn, Nghị quyết số 06-NQ/TƯ về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Bộ Chính trị ban hành ngày 24-1-2022 là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Trong bối cảnh phát triển mới hiện nay, Nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới tạo động lực để phát triển đô thị, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Để góp phần sớm đưa Nghị quyết 06-NQ/TƯ đi vào cuộc sống, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam vào ngày 16 và 17-6-2022 tại Hà Nội. Đây là sự kiện thường niên được tổ chức hằng năm gắn với công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.

Với chủ đề “Phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh”, quy mô của diễn đàn bao gồm các hoạt động: 1 phiên diễn đàn cấp cao được chủ trì bởi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ diễn ra vào ngày 17-6-2022, chuỗi 4 phiên hội thảo chuyên đề được tổ chức trong 2 ngày 16,17-6-2022 tại Hà Nội.

Phiên toàn thể của diễn đàn chiều 17-6 đã tập trung đi sâu phân tích và làm rõ định hướng chiến lược đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các báo cáo chính xoay quanh các vấn đề về hoàn thiện thể chế chính sách và hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TƯ; kinh nghiệm quốc tế về nâng cao năng lực quản trị đô thị; phát triển đô thị xanh, thông minh, bền vững và thích ứng tại Việt Nam; kinh nghiệm xây dựng và phát triển mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ.

Hà Nội bàn giải pháp giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm

Tham luận tại tọa đàm bàn tròn cấp cao với chủ đề “Thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm của thành phố Hà Nội, đưa người dân ra các đô thị xung quanh, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh”,  Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sau hơn 10 năm phát triển, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô với định hướng phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm 1 đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh đã được Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố phê duyệt. Song công tác quy hoạch Thủ đô vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, thách thức.

Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", thành phố Hà Nội đã xác định rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện. Cùng với việc tiếp tục đề xuất sửa đổi bổ sung luật Thủ đô, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch đầu tư xây dựng nhằm tạo động lực phát triển Thủ đô Hà Nội. Trong đó, sẽ xây dựng đồng bộ, đủ quy mô để hình thành đô thị mới hấp dẫn, có điều kiện cạnh tranh, thu hút dân cư và lao động trẻ tới sinh sống và làm việc, góp phần giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm. Cùng với đó, sẽ tập trung nguồn lực phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của Thủ đô một cách tổng thể hiện đại và hiệu quả. Song hành với việc hình thành một số cực tăng trưởng mới, xây dựng mô hình phát triển thành phố trực thuộc Thủ đô, Hà Nội cũng sẽ tập trung phát triển các huyện lên quận, phấn đấu đến năm 2025, có từ 3 đến 5 huyện phát triển thành quận.

Quy hoạch đô thị phải lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm

Phát biểu kết luận diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị các bộ, ngành tiếp thu các ý kiến mà các đại biểu đặt ra. Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững. Trong đó, cần chọn khâu đột phá quan trọng nhất để xây dựng và phát triển đô thị bền vững là đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch đô thị.

Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững, với triết lý lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa, văn minh đô thị làm nền tảng.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, quy hoạch đô thị cần bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch, gắn kết chặt chẽ quy hoạch đô thị với quy hoạch nông thôn; đồng thời phải áp dụng các công cụ kiểm soát chặt chẽ quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, khuyến khích tạo việc làm tại chỗ để hạn chế di dân quá lớn vào các đô thị lớn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch đô thị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.