Quy hoạch

Quy hoạch đô thị vệ tinh Hà Nội: Hướng tới mức độ hoàn chỉnh cao hơn

Bảo Hân 12/12/2023 - 06:34

Tại đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô cũng như Quy hoạch Thủ đô Hà Nội hiện nay, thành phố đang hướng tới hoàn chỉnh các mô hình đô thị vệ tinh ở mức độ cao hơn.

Yêu cầu bảo đảm tính khoa học và khả thi trong triển khai, khi các đồ án được thông qua, là một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm ngay từ giai đoạn hiện nay.

1.jpg
Quy hoạch đô thị vệ tinh Sơn Tây được định hướng khai thác giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, hình thành trung tâm triển lãm phi vật thể, văn hóa truyền thống. Ảnh: Quang Thái

Định hướng phát triển 2 đô thị vệ tinh của Thủ đô

Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 (Quy hoạch 1259) xác định cấu trúc đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm, tiến độ triển khai các đô thị vệ tinh theo quy hoạch còn chậm.

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, thành phố đã rà soát lại mô hình, lộ trình phát triển các đô thị vệ tinh để có kế hoạch tập trung nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Mô hình cấu trúc phát triển của Quy hoạch 1259/QĐ-TTg vẫn được kế thừa để định hình hệ thống đô thị của Thủ đô gồm đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh và hệ thống các thị trấn sinh thái nằm trong vùng hành lang xanh. Do đô thị Xuân Mai, Hòa Lạc gộp vào thành phố phía Tây, đô thị vệ tinh Sóc Sơn nhập vào thành phố phía Bắc, nên đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 chỉ nêu định hướng phát triển 2 đô thị vệ tinh Sơn Tây và Phú Xuyên.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đô thị vệ tinh Phú Xuyên được xác định là một trong những đô thị tiềm năng hàng đầu bởi sự liên kết chặt chẽ với phương án xây dựng sân bay phía Nam Hà Nội, đường sắt tốc độ cao và hệ thống vận tải đường thủy sông Hồng. Thành phố định hướng phát triển đô thị Phú Xuyên trở thành đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa...

Trong khi đó, đô thị vệ tinh Sơn Tây được định hướng khai thác tối đa giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, nhấn mạnh yếu tố kiến trúc, lịch sử, phục dựng các làng cổ, phố cổ, hình thành trung tâm triển lãm phi vật thể, triển lãm văn hóa truyền thống...

t4-dothi-vetinh.jpg
Đô thị vệ tinh Phú Xuyên được xác định là một trong những đô thị tiềm năng bởi sự liên kết với phương án xây dựng sân bay phía Nam Hà Nội, đường sắt tốc độ cao và hệ thống vận tải đường thủy sông Hồng. Ảnh: Nguyễn Quang

Để quy hoạch mới có tính thực tiễn

Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Nghị quyết số 15/NQ-TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới, từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh...”.

Để thực hiện định hướng này cần thống nhất nhận thức và lộ trình phù hợp. Với Hà Nội, đây là mô hình phù hợp với thực tiễn phát triển Thủ đô hiện tại và tương lai. Áp dụng mô hình này, thành phố có thêm một số cực tăng trưởng về công nghiệp, giáo dục, dịch vụ thương mại, văn hóa, thể dục - thể thao... giảm áp lực vào đô thị trung tâm, nhất là về môi trường, kết cấu hạ tầng.

Các đô thị vệ tinh có liên kết với trung tâm, song có chức năng hoạt động độc lập, kết nối yếu tố tự nhiên và giữ gìn văn hóa truyền thống, tạo nên không gian xanh, không gian sinh thái. Nhìn xa hơn nữa, đô thị vệ tinh còn là các khu vực tạo thuận lợi cho khởi nghiệp, sáng tạo, thích ứng với giai đoạn dân số vàng và cả dân số già hóa.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cũng cho rằng, mục tiêu ban đầu quy hoạch 5 đô thị vệ tinh đã rất rõ, đó là tạo lập không gian đô thị, hỗ trợ, giảm tải nhiều chức năng cho đô thị trung tâm, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô, nhằm bảo đảm cho Hà Nội phát triển bền vững.

Tuy nhiên, do thiếu cơ chế, chính sách và cả những yếu tố khách quan như kinh tế suy thoái, dịch bệnh nên những vấn đề đặt ra không được giải quyết trọn vẹn. Do vậy, việc điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô cần phải đánh giá rõ hiệu quả mô hình 5 đô thị vệ tinh để thấy được nguyên nhân tồn tại, nhằm tính toán bước đi hợp lý trong giai đoạn tới.

Góp ý vào định hướng của Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thể hiện quan điểm nhất trí với cấu trúc đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, cùng mô hình "Thành phố trong thành phố". Tuy nhiên, ông lưu ý khắc phục hạn chế rút ra từ thực tiễn 12 năm thực hiện Quy hoạch 1259. Đô thị vệ tinh hay "Thành phố trong thành phố” cần được đầu tư đồng bộ để có cấu trúc đầy đủ của một đô thị hoàn chỉnh, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân đến sinh sống và làm việc. Điều đó đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn, khâu tổ chức quy hoạch phải cân đối, thời gian thực hiện hợp lý cũng như tính pháp lý cho các mô hình phát triển mới.

Để quy hoạch mới có tính thực tiễn, khả thi trong triển khai, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, đồng thời với nghiên cứu lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đã xây dựng chương trình phát triển đô thị toàn thành phố.

Trong đó, thành phố đề xuất các nội dung về phân vùng, tiến độ, lộ trình, nguồn lực triển khai, các khu vực trọng tâm, trọng điểm phát triển, các khu vực cần bảo tồn, phát huy giá trị, phương án đầu tư, quản lý phát triển khu vực đô thị - nông thôn… Chương trình này sẽ được trình để Thành ủy xem xét, thông qua sau khi đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch đô thị vệ tinh Hà Nội: Hướng tới mức độ hoàn chỉnh cao hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.