(HNMO) - Đây là khẳng định của Bộ Tài chính trước một số ý kiến của người dân đề nghị xem xét tính khả thi, minh bạch hoạt động của Quỹ Bình ổn giá xăng (Quỹ BOG).
Bộ Tài chính cho biết, Quỹ BOG được hình thành căn cứ vào quy định tại Nghị định số 84/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối có nghĩa vụ trích lập Quỹ BOG để tham gia bình ổn giá. Quỹ này được lập để tại doanh nghiệp, được hạch toán riêng, chỉ sử dụng vào mục đích bình ổn giá xăng dầu. Căn cứ Nghị định trên, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 234/2009 hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Theo quy định tại Thông tư 234, "Quỹ BOG giá được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở theo quy định tại khoản 9, Điều 3, Chương I Nghị định số 84 là 300 đồng/lít (kg) của lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ và được xác định là một khoản mục chi phí trong cơ cấu giá cơ sở của Thương nhân đầu mối. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh mức trích lập, thời điểm trích lập Quỹ Bình ổn giá cho phù hợp với biến động của thị trường và có thông báo để các Thương nhân đầu mối thực hiện".
Thời gian tới, doanh nghiệp trích nộp về Quỹ để quản lý chung tại Bộ Tài chính đảm bảo Quỹ thực sự minh bạch và đem lại lợi ích cho xã hội. Ảnh minh họa |
Như vậy, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được sử dụng Quỹ Bình ổn giá vào mục đích bình ổn giá xăng dầu trong nước theo chỉ đạo của Liên Bộ Tài chính - Công thương.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đưa ra hồi cuối năm 2011 về kiểm toán việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG giai đoạn 2009-2010 cho biết: Việc hình thành cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG là có cơ sở pháp lý và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi chuyển đổi việc quản lý giá xăng dầu thực hiện theo cơ chế giá thị trường, xóa bao cấp bù lỗ và phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế vì mục tiêu chung là bình ổn giá, kiềm chế lạm phát...
Đối với người tiêu dùng, nhờ cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG, vì vậy mà trong năm 2010 người tiêu dùng được dùng xăng, dầu giá rẻ hơn xăng, dầu các nước trong khu vực và ổn định hơn, giảm tần suất và mức độ điều chỉnh.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, nhờ Quỹ BOG để tại doanh nghiệp nên khi Nhà nước cho phép sử dụng các doanh nghiệp đã sử dụng kịp thời để phản ứng với thị trường thế giới (có nguồn lực tài chính để nhập khẩu xăng, dầu ngay), tiết kiệm được thời gian làm các thủ tục hành chính.
Đối với kinh tế-xã hội, nhờ cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG, vì vậy mà trong năm 2010, giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp khó lường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội.
“Đó là mục tiêu chính của cơ chế trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ BOG; là ý nghĩa, là hiệu quả, hiệu lực và tác động tích cực của cơ chế trích lập, quản lý, sử dụng quỹ BOG" - Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Như vậy, “việc hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu là cần thiết trong tình hình hiện nay vì thông qua việc điều hành sử dụng Quỹ đã góp phần quan trọng bình ổn giá xăng dầu trong nước, qua đó bình ổn mặt bằng giá nói chung như đã phân tích ở trên” - Cơ quan này kết luận.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, do Quỹ để phân tán tại các doanh nghiệp nên việc kiểm soát số dư của Quỹ phức tạp, tốn kém thời gian, chi phí.
Vì vậy, trong thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công thương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung việc hình thành, sử dụng và quản lý Quỹ theo hướng doanh nghiệp trích nộp về Quỹ để quản lý chung tại Bộ Tài chính, đảm bảo Quỹ thực sự minh bạch và đem lại lợi ích cho xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.