Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quốc hội biểu quyết tổng sản phẩm quốc nội năm 2021 tăng khoảng 6%

Hương Ly| 11/11/2020 10:32

(HNMO) - Sáng 11-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, Quốc hội đã biểu quyết thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Kết quả biểu quyết thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Nghị quyết nêu rõ, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Tình hình quốc tế, trong nước dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực trên nhiều mặt đến kinh tế thế giới và nước ta.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu tổng quát đề ra cho năm 2021 là tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn…

Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021 được nêu trong nghị quyết là: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng khoảng 6%; quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người/năm; tốc độ tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng 45-47%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm; tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 90%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91%; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.

Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong sản xuất vắc xin và có giải pháp để người dân tiếp cận vắc xin phòng dịch Covid-19 sớm nhất; chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền (bao gồm cả các giải pháp về tín dụng, tài chính - ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí…) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhất là trong một số ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hàng không… và người lao động mất việc làm, bị giảm sâu thu nhập.

Quốc hội cũng yêu cầu công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá điện, xăng dầu cũng như các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác có ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng của người dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giá kết hợp quản lý thuế để ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các nguyên vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu…

Cùng với đó, Quốc hội cũng yêu cầu tăng cường huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng, trong đó chú trọng các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến đường cao tốc kết nối…

Quốc hội cũng yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học, công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; chuẩn bị các điều kiện triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh yêu cầu về phát triển mạnh kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, hộ kinh doanh cá thể… nhằm phát triển toàn diện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sáng 11-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp thứ mười. Quốc hội cũng nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Quốc hội cũng đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với đồng chí Chu Ngọc Anh và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với đồng chí Lê Minh Hưng; đồng thời, tiến hành thảo luận ở Đoàn về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với đồng chí Chu Ngọc Anh và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với đồng chí Lê Minh Hưng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội biểu quyết tổng sản phẩm quốc nội năm 2021 tăng khoảng 6%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.