(HNM) - Hằng năm, nông dân Hà Nội tiêu thụ lượng lớn vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, kiến thức của người dân về sử dụng loại hàng hóa này còn hạn chế, việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp vẫn tồn tại nhiều khó khăn...
Hầu hết, nông dân mua thuốc bảo vệ thực vật, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện nay là theo khuyến cáo của đại lý, cửa hàng buôn bán loại hàng hóa này chứ không rõ chất lượng ra sao.
Bà Nguyễn Thị Liên ở xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) cho hay: “Gia đình tôi có 5 sào ruộng, mỗi khi phát hiện sâu bệnh gây hại đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ cho cây lúa. Nhưng khi đến mua thuốc của các cửa hàng bán vật tư nông nghiệp, họ giới thiệu hàng chục loại thuốc khác nhau có nhãn mác gần giống nhau nên rất khó phân biệt. Do đó, nông dân chúng tôi thường mua thuốc dựa vào quảng cáo của cửa hàng chứ không biết sản phẩm là giả hay thật”.
Trong khi người dân mù mờ về thông tin nhà sản xuất và các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón..., thì việc quản lý các cửa hàng bán vật tư nông nghiệp ở khu vực nông thôn rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) thông tin: "Trên địa bàn xã có 3 cửa hàng bán vật tư nông nghiệp, nhưng do không có cán bộ chuyên môn nên việc kiểm tra, xử lý rất khó khăn. Thậm chí, một số tiểu thương còn mang các loại cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc bán cho người dân ở chợ".
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, toàn thành phố Hà Nội có 1.738 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã kiểm tra 351 cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp, phát hiện 83 cửa hàng vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh không có giấy chứng nhận hoặc buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, do số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn thành phố rất nhiều, nhưng chủ yếu là nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư nên khó quản lý.
Hiện nay, chế tài xử phạt các vi phạm về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nên tình trạng tồn tại vi phạm vẫn còn nhiều… Mặt khác, các địa phương chưa chú trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân về tác hại của việc sử dụng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng.
Vì vậy, người dân vẫn có thói quen sử dụng vật tư nông nghiệp tùy tiện, không tìm hiểu kỹ từng loại để phù hợp với cây trồng mà theo sự giới thiệu của người bán hàng, nên việc kiểm soát càng trở nên khó khăn.
Để nâng cao hiệu quả quản lý thị trường vật tư nông nghiệp, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cho cả người kinh doanh và nông dân.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết, huyện Ứng Hòa sẽ tăng cường phát các bản tin trên hệ thống loa truyền thanh của các xã, thị trấn để hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; thông tin cụ thể về các loại thuốc cấm sử dụng, các loại thuốc bảo vệ thực vật đã bị loại khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Cùng với đó, yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện thực hiện ký cam kết không sản xuất, kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng...
Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, để quản lý chặt chẽ các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn thành phố, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tập huấn, thực hiện quy trình sản xuất an toàn trong quá trình sử dụng các loại vật tư nông nghiệp cho người dân.
Đồng thời, Sở phối hợp với các lực lượng chức năng gồm: Công an, quản lý thị trường thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất về vật tư nông nghiệp, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.