Nông nghiệp

Hà Nội siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp

Ngọc Quỳnh 12/02/2025 - 07:08

Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, nông dân Hà Nội bước vào sản xuất vụ xuân, nên nhu cầu sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao.

Trong khi đó, số lượng cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô chủ yếu quy mô nhỏ lẻ; tình trạng người dân mua sản phẩm giống cây trồng, phân bón… trên mạng xã hội đã, đang gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

vat-tu.jpg
Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra một cơ sở sản xuất vật tư nông nghiệp tại huyện Chương Mỹ.

Kinh doanh vật tư nông nghiệp còn nhỏ lẻ

Thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng các loại vật tư nông nghiệp, như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc rõ ràng để sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Tuy nhiên, việc quản lý vật tư nông nghiệp vẫn còn khó khăn, do toàn thành phố có tới 3.271 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư. Hơn nữa, tình trạng người dân mua phải phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng kém chất lượng tại các chợ nông thôn và trên mạng xã hội vẫn xảy ra, khiến cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát.

Theo bà Nguyễn Thị Thảo (xã Kim An, huyện Thanh Oai), khi vào vụ sản xuất, gia đình bà thường ra chợ ở địa phương mua giống rau về gieo trồng và khi phòng trừ sâu bệnh thường đến các cửa hàng bán vật tư nông nghiệp mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Thậm chí, gia đình bà còn mua online, nên có những lúc mua phải hàng kém chất lượng, khiến rau bị sâu bệnh nhiều, sản lượng kém.

Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lưu Thị Hằng cho biết, việc mua và sử dụng vật tư nông nghiệp kém chất lượng, hàng giả, nhái (nhất là thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống...), không những gây thiệt hại trước mắt về kinh tế, mà còn để lại hậu quả, di chứng lâu dài trên đồng ruộng.

“Năm 2024, chi cục đã phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra 61 cơ sở sản xuất, buôn bán vật tư nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, 638 cửa hàng có hoạt động buôn bán vật tư nông nghiệp; qua đó đã phát hiện 3 cơ sở vi phạm. Nguyên nhân là do số lượng cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp lớn, các đối tượng có thể vận chuyển lén lút thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu từ các địa phương khác vào Hà Nội…”, bà Lưu Thị Hằng cho hay.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát cơ sở sản xuất, kinh doanh

Hiện nông dân Thủ đô đang tập trung sản xuất nông nghiệp sau Tết Nguyên đán nhằm bảo đảm nguồn cung nông sản cho thị trường. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông, huyện tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về sản xuất, buôn bán và sử dụng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; vận động nhân dân tuyệt đối không mua và sử dụng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng bán trôi nổi trên mạng xã hội. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở trên địa bàn ký cam kết không sản xuất, buôn bán, sử dụng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng không có tên trong danh mục được phép sử dụng, lưu hành tại Việt Nam...

Ngoài ra, huyện tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm giám sát chặt chẽ việc lưu thông, quảng cáo các mặt hàng vật tư nông nghiệp; khuyến cáo người dân ưu tiên chọn mua những sản phẩm có thương hiệu, bảo đảm chất lượng tại cơ sở uy tín, được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép hoạt động…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chú trọng về nguồn gốc, nhãn mác sản phẩm… Thông qua kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm, nhất là hành vi vi phạm về kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong giấy phép kinh doanh; kinh doanh hàng hóa không có tên trong danh mục được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng cấm, hàng lậu, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại… Bên cạnh đó, phối hợp, đôn đốc các địa phương của thành phố thực hiện kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, qua đó công bố danh sách và cập nhật thông tin đơn vị sản xuất, kinh doanh giống, vật tư tại địa bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức, cá nhân biết, lựa chọn sử dụng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp có nguồn gốc rõ ràng.

“Các địa phương cần đẩy mạnh việc thống kê, quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc thẩm quyền quản lý theo phân công, phân cấp của UBND thành phố. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm, công khai các cơ sở vi phạm; khuyến cáo nông dân sau khi mua sắm vật tư nông nghiệp cần giữ lại bao bì, ghi chép nhật ký sử dụng, khi phát hiện có dấu hiệu hàng giả, kém chất lượng cần báo cho cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mạnh Phương nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.