(HNM) - Hạ tầng xuống cấp, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm,… là thực trạng của nhiều chợ trên địa bàn Thủ đô hiện nay. Trước thực tế này, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành tham mưu để thành phố xây dựng cơ chế kết hợp hiệu quả các nguồn vốn, tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong kinh doanh, khai thác chợ; giải quyết dứt điểm các khiếu nại... để đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn.
Còn nhiều bất cập
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 454 chợ các loại, trong đó có 91 chợ kiên cố, 247 chợ bán kiên cố, 116 chợ tạm. Phần lớn các chợ đều được xây dựng cách đây 20-30 năm, nay đã xuống cấp, không đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại.
Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, tại một số chợ như: Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Thành Công (quận Ba Đình), Xuân La (quận Tây Hồ)…, cho thấy hầu hết cơ sở vật chất đều bị xuống cấp, nền chợ thấp hơn nền đường giao thông, hệ thống thoát nước hư hỏng, mái che bị thấm dột được sửa chữa chắp vá…
Ở một số phường như: Quan Hoa, Yên Hòa, Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy); Liễu Giai, Ngọc Hà, Phúc Xá (quận Ba Đình)… chưa có chợ, hoặc thiếu chợ, tổ chức chợ chưa hợp lý, không thuận tiện khiến tình trạng chợ tạm, chợ “cóc” tồn tại, ảnh hưởng đến diện mạo và trật tự đô thị.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Duy Tân (số 35 phố Phúc Xá, quận Ba Đình) sống gần chợ tạm phố Phúc Xá cho biết: "Dù thuận tiện cho việc mua bán, song những hộ dân sống quanh khu chợ này đang là “nạn nhân” của tình trạng mất trật tự, ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”.
Trước thực trạng đó, thời gian qua, thành phố đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng, cải tạo các chợ, song có ít doanh nghiệp mặn mà. Đề cập về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay: "Hiện việc mời gọi đầu tư phát triển chợ trên địa bàn thành phố gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các chợ ở khu vực nông thôn.
Nguyên nhân là do ngân sách địa phương có hạn, doanh nghiệp thờ ơ vì quy mô dự án nhỏ, lợi nhuận ít, việc quản lý phức tạp, trong quá trình triển khai thường gặp phản ứng của các tiểu thương. Do chưa tìm được tiếng nói chung giữa lợi ích của người kinh doanh và doanh nghiệp, nhiều chợ rơi vào tình trạng xây xong mà vẫn đóng cửa, gây lãng phí đầu tư, không thu hút được các nguồn lực".
Chia sẻ về việc này, ông Nguyễn Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh thông tin: “Đối với các chợ do UBND xã, huyện quản lý khai thác theo mô hình nhà nước thì diện tích kinh doanh không tính tiền thuê đất; nhưng chuyển sang mô hình doanh nghiệp quản lý thì phải tính tiền thuê đất vào giá thành đầu tư theo Luật Doanh nghiệp khiến vốn đầu tư tăng cao.
Đây là một trong những nguyên nhân đẩy giá thuê diện tích bán hàng tăng gấp 2-3 lần so với thời điểm nhà nước quản lý, khiến tiểu thương bỏ chợ, doanh nghiệp thua lỗ, nợ tiền thuê đất, nên đã trả lại dự án cho địa phương”.
Cần hỗ trợ để hài hòa lợi ích
Việc cải tạo, xây dựng lại các chợ cũ tại Hà Nội nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh tốt hơn, đồng thời tạo bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Thành phố đang đẩy mạnh xã hội hóa mời gọi đầu tư, thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư cải tạo chợ...
Tại hội nghị sơ kết công tác quản lý chợ trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 vừa diễn ra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã nhắc lại yêu cầu trên và chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu, đề xuất với UBND thành phố về cơ chế kết hợp hiệu quả các nguồn vốn, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, phương thức hợp tác công - tư; tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo... nhằm đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn.
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế trong kinh doanh, khai thác chợ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan kiến nghị: “Ngành chức năng, cấp có thẩm quyền có cơ chế hỗ trợ, như miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay đầu tư xây dựng chợ… Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác chợ, cần có quy định rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm của hộ kinh doanh trong từng trường hợp được giao, hoặc cho thuê điểm kinh doanh.
Trước mắt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện thu tiền thuê điểm kinh doanh tại chợ tương đương với mức thu áp dụng khi chợ đang do nhà nước quản lý, nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài ra, UBND thành phố sớm phê duyệt danh mục các dự án chợ để mời gọi đầu tư và tổ chức mời thầu đợt 1 năm 2019…; sửa đổi Quyết định số 56/2016/QĐ-UBND (ngày 31-12-2016) của UBND thành phố về việc ban hành giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn thành phố cho phù hợp với các quy định".
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Vĩnh, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Long Biên cho rằng: “Thành phố cần có cơ chế cân đối, điều chỉnh các khoản mà doanh nghiệp phải nộp cho nhà nước, như tiền thuê đất, thuế, phí… để giúp doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận tối thiểu dựa trên các khoản thu từ chợ”.
Ngoài ra, nhằm bảo đảm tính khả thi, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, tiểu thương và người dân thì các cấp, ngành chức năng cần ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, thế mạnh về công nghệ, uy tín trong kinh doanh, năng lực thực hiện các dự án đầu tư xây dựng chợ. Một vấn đề khác cũng cần được đặc biệt quan tâm là hạn chế xáo trộn tập quán kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương và thay đổi thói quen mua sắm của người dân.
Việc sớm thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, hy vọng việc quản lý và chuyển đổi mô hình chợ truyền thống trên địa bàn thành phố sẽ đạt hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.