Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý nhà nước còn lỏng lẻo

Tuấn Lương| 11/05/2015 06:36

(HNM) - Cung vượt cầu trong khi công tác quản lý nhà nước còn lỏng lẻo đã khiến hoạt động vận tải hành khách công cộng tuyến cố định Hà Nội - Hải Phòng nhiều năm qua xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Trước tình hình đó, Bộ GTVT đã yêu cầu các lực lượng chức năng của hai địa phương ngay trong tháng 5-2015 tổ chức rà soát, lập đường dây nóng, thanh tra toàn diện một số doanh nghiệp (DN) vận tải để chấn chỉnh hoặc tạm thu hồi và tước giấy phép kinh doanh của đơn vị có sai phạm.

Các xe chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng thường xuyên đón, trả khách dọc đường. Ảnh: Khánh Hà


"Loạn" vì cung vượt cầu

Thời gian qua, nhiều chủ xe, lái xe tuyến Hà Nội - Hải Phòng phản ánh tình trạng bị kẻ xấu nhắn tin, đe dọa, thậm chí tấn công do cạnh tranh khách trên tuyến. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Thừa nhận có tình trạng này, đại diện Sở GTVT Hải Phòng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do cung vượt cầu, tần suất xe hoạt động trên tuyến khá dày, nên đã dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh. Hiện tuyến vận tải khách cố định Hà Nội - Hải Phòng có 16 DN tham gia với tổng số 225 xe, trong đó Hải Phòng có 10 đơn vị (191 xe), Hà Nội có 6 đơn vị (34 xe). Tần suất hoạt động trên toàn tuyến là 357 chuyến xe/ngày-đêm. Dù từ năm 2011 đến nay, Sở GTVT Hà Nội và Hải Phòng không chấp thuận thêm bất kỳ DN nào vào khai thác, nhưng nhiều DN chuyển đổi phương tiện từ xe nhỏ (loại 16-35 chỗ) sang loại lớn (45-47 chỗ ngồi) nên cung vượt cầu, hệ số ghế trên các chuyến xe rất thấp, chỉ đạt trung bình 42%/xe.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, từ năm 2013 đến nay, Sở GTVT Hải Phòng và Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 16 DN vận tải khách, xử lý, tước phù hiệu, cảnh cáo 126 phương tiện. Tuy nhiên, sự việc vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng cho biết, không chỉ nhân viên lái xe, phụ xe, mà thậm chí cả nhân viên của Sở GTVT Hải Phòng, nhân viên các bến xe cũng bị nhắn tin đe dọa, hành hung. Điều đáng nói là việc gây thương tích cho lái xe, phụ xe không xảy ra trực tiếp trên tuyến QL5 mà thường là trên đường lái xe, phụ xe đi về nhà nên rất khó xử lý.

Đại diện bến xe Lương Yên nhận định, tuyến vận tải khách cố định Hà Nội - Hải Phòng rất phức tạp. Trước đây, một phó giám đốc của bến từng bị hành hung. Một số đối tượng nhận là nhân viên của nhà xe "cò mồi", thậm chí còn hành hung nhân viên của bến xe khi được nhắc nhở nội quy. Lực lượng bảo vệ của bến xe Lương Yên bị dọa nạt nhiều nên ngại va chạm với nhà xe và lái xe. Một số xe chạy sai luồng tuyến bị nhắc nhở, đình tài nhưng vẫn lén lút hoạt động quanh bến; vẫn còn tình trạng "cò" núp bóng là nhân viên điều hành để chèo kéo khách cũng như vẫn còn tình trạng xe "dù" và xe xuất bến đi với tốc độ "rùa bò" gây ùn tắc giao thông.

Thanh tra toàn diện, xử lý nghiêm khắc

Được biết, ngành chức năng đã vào cuộc điều tra, phát hiện việc tranh giành khách trên tuyến QL5 chỉ ở một số ít nhà xe (khoảng 10 xe). Trong hai tuần qua, lực lượng công an đã cử trinh sát ghi hình toàn bộ phương tiện có dấu hiệu vi phạm và thông báo tất cả các xe vi phạm để CSGT xử lý. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là trên tuyến QL5 có 21km thuộc địa phận Hải Phòng không có điểm dừng đỗ đón trả khách và hành khách thường bắt xe dọc đường. Vì thế, Sở GTVT Hải Phòng cần nghiên cứu bố trí điểm dừng đỗ, đón trả khách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như DN vận tải.

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, cần phải bố trí các điểm dừng đỗ cho hành khách, tránh tình trạng hành khách phải đi ngược lại bến quá xa để đi xe. Trong xử lý vi phạm, đề nghị Sở GTVT Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên cùng phối hợp, đồng loạt xử lý. Tình trạng hoạt động vận tải khách tuyến QL5 phức tạp là do sự phối hợp giữa các sở GTVT địa phương còn kém. Trách nhiệm chính vẫn là quản lý nhà nước về vận tải, không thể ỷ lại, trông chờ vào lực lượng công an. Vai trò của các bến xe hai đầu tuyến cũng rất quan trọng, đầu Hà Nội làm chặt, đình tài, nhưng đầu kia không kiên quyết xử lý thì chẳng khác gì tạo điều kiện cho xe "dù" ngang nhiên hoạt động. Sở GTVT Hà Nội đã chỉ đạo các bến: Mỹ Đình, Giáp Bát lắp camera và dùng hình ảnh này để phạt "nguội", tới đây sẽ đề nghị bến Lương Yên và Gia Lâm thực hiện. Khi đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hoàn thành, đưa vào khai thác, quan điểm của Hà Nội là sẽ chuyển bớt một số tuyến đang chạy QL5 sang đường cao tốc và đề nghị không tăng thêm xe, không mở thêm tuyến, tránh tăng thêm DN để hạn chế việc cạnh tranh không lành mạnh.

Khẳng định quyết tâm xử lý triệt để tình trạng này, đại diện Bộ GTVT đã yêu cầu các cơ quan liên quan xác định các điểm dừng, đỗ để đón, trả khách; quy định rõ số lượng khách mới được xuất bến; ban hành quy định từ Bộ với các tỉnh về khai thác thiết bị giám sát hành trình để có sự ràng buộc; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất phương tiện lắp đặt thiết bị hoạt động. Các sở GTVT địa phương trên tuyến phải có đường dây nóng để người dân phản ánh. Đồng thời, ngay trong tháng 5-2015 tổ chức thanh tra toàn diện các DN có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh để có sự chấn chỉnh hoặc tạm thu hồi và tước giấy phép kinh doanh. Đối tượng hay nhà xe nào cố tình nhắn tin đe dọa và gây mất trật tự ATGT sẽ xử lý nghiêm, trường hợp cần thiết đề nghị cơ quan chức năng xử lý hình sự.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý nhà nước còn lỏng lẻo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.