Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa tiến hành đợt kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng tại 25 đơn vị trên địa bàn.
Cùng với chỉ rõ các vi phạm, lực lượng này cũng kiến nghị thu hồi phù hiệu, giấy phép đối với các trường hợp không chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước.
11 đơn vị không hoạt động tại trụ sở đã đăng ký
Thực hiện chỉ đạo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, từ cuối năm 2023 đến nay, Thanh tra Sở đã lập các đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra tại 25 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng trên địa bàn thành phố.
Trong số 25 đơn vị này, đáng chú ý, các đoàn kiểm tra đã không thể thực hiện kiểm tra tại 11 đơn vị do không hoạt động tại trụ sở đã đăng ký và không liên lạc được theo số điện thoại đăng ký, gồm: Công ty cổ phần Gonow Group; Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Vĩnh Hà; Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại NTS Việt Nam; Hợp tác xã Dịch vụ du lịch và vận tải Sông Lam; Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ du lịch Hòa Phát; Công ty cổ phần ATV An Thịnh Vượng; Công ty TNHH Đầu tư thương mại và du lịch Tấn Tài; Công ty TNHH Thương mại du lịch và vận tải An Thịnh; Công ty cổ phần Limousine Huy Hoàng; Công ty cổ phần ECON Việt Nam; Hợp tác xã Thương mại Anh Dương.
Ngoài 11 đơn vị này, có 1 đơn vị là Hợp tác xã Vận tải Hồng Hà không chấp hành quyết định kiểm tra. Đoàn kiểm tra đã 3 lần đến trụ sở nhưng không gặp được người đại diện. Ngay cả khi đoàn thực hiện tống đạt quyết định kiểm tra đến đơn vị nhưng đơn vị này vẫn không phản hồi.
Cũng trong số các đơn vị thuộc đối tượng kiểm tra, có 1 đơn vị là Hợp tác xã Dịch vụ vận tải HD xin tạm dừng hoạt động; 2 đơn vị là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ ô tô Vạn An và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại và du lịch Quỳnh Anh ngừng hoạt động kinh doanh vận tải, đồng thời đề nghị được trả lại giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu “xe hợp đồng” còn hạn đã được Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp.
Với 10 đơn vị còn lại, qua kiểm tra vẫn còn một số trường hợp vi phạm như: Phương tiện của một số đơn vị vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trong 1 tháng đã bị Sở Giao thông vận tải Hà Nội ban hành quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm nhưng tại thời điểm kiểm tra, các đơn vị này chưa nộp lại phù hiệu; 2/10 đơn vị có hiện tượng lái xe điều khiển ô tô quá thời gian quy định; 2/10 đơn vị có người điều hành vận tải không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định; 3/10 đơn vị chưa thực hiện việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho lái xe; 1/10 đơn vị không có nơi đỗ xe theo quy định…
Kiên quyết thu hồi giấy phép và phù hiệu
Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Nhật Quang cho biết, trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra đã lập biên bản và đề xuất lãnh đạo Sở ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị có phương tiện vi phạm tốc độ, không nộp lại phù hiệu; không có nơi đỗ xe; bố trí người điều hành vận tải không đáp ứng đủ các điều kiện… Từ thực tế kiểm tra, đoàn kiểm tra kiến nghị Sở Giao thông vận tải Hà Nội ban hành văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh đối với các đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng đã vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải.
"Riêng với 11 đơn vị không thể kiểm tra, Thanh tra Sở kiến nghị Sở Giao thông vận tải Hà Nội giao Phòng Quản lý vận tải tạm dừng cấp đổi, cấp mới phù hiệu “xe hợp đồng” đối với các phương tiện của 11 đơn vị nêu trên; đồng thời kiểm tra, rà soát việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động vận tải hành khách của các đơn vị; ban hành quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải nếu phát hiện các đơn vị nêu trên không còn hoạt động kinh doanh vận tải...”, ông Trần Nhật Quang cho biết.
Với Hợp tác xã Vận tải Hồng Hà không chấp hành quyết định kiểm tra và 3 đơn vị xin tạm dừng hoạt động, trả lại giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu, cùng với kiến nghị Sở ban hành quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu còn hạn sử dụng, Thanh tra Sở sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nếu phát hiện các phương tiện thuộc các đơn vị này vẫn tiếp tục tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Cũng nhằm xử lý tình trạng xe “dù”, bến “cóc” trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đào Việt Long đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) chỉ đạo các đội Cảnh sát giao thông đường bộ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm tại khu vực xung quanh Bến xe Mỹ Đình và các tuyến đường, phố tiếp nối khu vực bến xe (như: Phạm Hùng, Nguyễn Hoàng, Trần Bình, Tôn Thất Thuyết, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến…). Trong đó, lực lượng Cảnh sát giao thông cần đặc biệt lưu ý các đường dẫn lên Vành đai 3 trên cao cũng như các xe khách chạy “rà rê” trên đường Vành đai 3 trên cao để chờ đón, trả khách. Đồng thời, lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với UBND các quận, Thanh tra Sở Giao thông vận tải và chính quyền địa phương mở rộng xử phạt thông qua việc trích xuất hình ảnh camera giám sát các phương tiện xe khách vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.