Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai sáng 5-12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, giáo dục mầm non là một trong những sức ép rất lớn về hạ tầng xã hội tại những tỉnh có nhiều khu công nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Trước đó, Phó Thủ tướng trực tiếp thăm một số cơ sở giáo dục mầm non tư thục tại phường Long Bình, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
“Lâu nay Đồng Nai đã chịu sức ép rất lớn trong việc lo hạ tầng xã hội cho người lao động từ các tỉnh khác tới làm việc. Câu chuyện nhà ở rất khó khăn, y tế cũng vậy, đặc biệt là giáo dục, trong đó có giáo dục mầm non. Người lao động và cả doanh nghiệp đều muốn gắn bó lâu dài, nhưng nếu không giải quyết được vấn đề này thì nhiều người, nhất là lao động nữ, buộc phải về quê sau khi lấy chồng, sinh con”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề. Đồng Nai cần đi thẳng vào những bất cập, hạn chế và cùng các bộ, ngành đối thoại, tháo gỡ ngay trong buổi làm việc.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện hệ thống trường mầm non công lập trên địa bàn không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Vì vậy đa số người lao động, công nhân trong các khu công nghiệp (KCN), những người có thu nhập thấp phải chấp nhận gửi con vào các cơ sở giữ trẻ với chi phí thấp.
Tại các nhóm trẻ, lớp mầm non tư thục có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa bảo đảm theo quy định, cụ thể như: Đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị tối thiểu còn nghèo nàn, đơn giản; diện tích phòng học chưa đủ so với quy định.
Phó Thủ tướng và các trẻ trong trường mầm non phường Long Bình. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Nhiều nhóm trẻ gia đình sử dụng không gian nhà ở của gia đình để làm phòng học, sử dụng bếp gia đình làm bếp ăn cho trẻ, vừa chật hẹp, vừa chưa bảo đảm quy trình nhà bếp và vệ sinh môi trường bán trú.
Tại một số nhóm, lớp chưa được cấp phép, người trông giữ trẻ không có nghiệp vụ sư phạm mầm non, thiếu kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ.
Trong khi đó, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục mầm non mỏng, nên việc quản lý cơ sở ngoài công lập có mô hình nhỏ lẻ, phát triển mang tính tự phát gặp nhiều khó khăn. Cán bộ quản lý thiếu chuyên sâu, thiếu cương quyết trong việc xử lý các trường hợp vi phạm quy chế chuyên môn.
Tại nhiều KCN, nhà máy, việc đầu tư thành lập nhà trẻ, trường mầm non cho con công nhân chưa được quan tâm. Toàn tỉnh chỉ có 4 trường mầm non nằm ở KCN, 20 trường và 275 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục nằm giáp ranh các KCN.
“Theo quy định của Bộ GD-ĐT quy mô nhóm lớp từ 50 cháu trở lên phải thành lập trường, nhưng lại vướng quy định phải có đất dành cho giáo dục, trong khi nhiều cơ sở đang sử dụng nhà ở để trông giữ trẻ”, bà Hiệp cho hay.
“Mục đích cuối cùng là để các cháu được chăm sóc đầy đủ, an toàn. Vì vậy các quy định đưa ra phải sát thực tiễn, mang tính linh hoạt, phù hợp, tạo điều kiện cho địa phương có những cách làm năng động, sáng tạo”, Phó Thủ tướng trao đổi ngay.
Tỉnh Đồng Nai kiến nghị cần có những quy định để doanh nghiệp, các nhà đầu tư ở KCN, các xí nghiệp, nhà máy thành lập nhà trẻ, trường mầm non dành cho con em công nhân.
Các trường mầm non ngoài công lập cũng cần các chính sách hỗ trợ thiết thực, cụ thể hơn để khuyến khích phát triển như kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên, nhân viên (cấp dưỡng); hỗ trợ đồ dùng, đồ chơi; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai, xây dựng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gia đình công nhân tại khu trọ ở khu phố 3, phường Long Bình. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Đồng Nai, Phó Thủ tướng cho rằng, mặc dù trên cả nước các cơ sở giáo dục mầm non công lập chiếm tỷ lệ tới 84%, tại Đồng Nai chỉ chiếm 16%, nhưng tỷ lệ trẻ đến lớp cao hơn trung bình cả nước. Tỉnh có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt trong huy động được nguồn lực xã hội hoá vào lĩnh vực này.
“Đồng Nai cần tiếp tục phát huy những mô hình hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục như ngân sách hỗ trợ giáo viên, sữa học đường, thi đua khen thưởng cho giáo viên… theo hướng không phân biệt trường công, trường tư”, Phó Thủ tướng mong muốn.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, thực tế ở nhiều KCN cho thấy thu nhập của công nhân còn thấp, phải làm thêm giờ, tăng ca nhiều, nên buộc phải lựa chọn các nhóm lớp mầm non tư thục. Vì vậy, rất cần những cơ chế, chính sách linh hoạt để có thể quản lý được các nhóm lớp mầm non tư thục ở quy mô khác nhau.
“Hỗ trợ về kinh phí thì chúng ta cố gắng trong khả năng có thể, nhưng về cơ chế, chính sách thì phải gỡ bằng được cho địa phương, không cào bằng, nhất là những tỉnh có nhiều KCN như Đồng Nai, Thái Nguyên, Bắc Ninh…”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ GD-ĐT nghiên cứu sửa thông tư liên quan đến điều kiện thành lập nhóm lớp, trường mầm non tư thục.
“Nếu Bộ cứ quy định người mở nhóm lớp phải tập huấn, phải thi cấp chứng chỉ để bảo đảm chất lượng thì rất khó, sẽ không có đủ lớp, dẫn đến trông trẻ chui mà công nhân vẫn phải gửi. Như vậy cách làm tưởng là tốt nhưng chất lượng lại không bảo đảm. Có cách nào đổi mới không, để các nhóm lớp được quản lý thực sự, tạo thuận lợi tối đa để thành lập trường khi có điều kiện?” - Phó Thủ tướng nêu vấn đề, đồng thời đề nghị các bộ, ngành rà soát lại các quy định về sử dụng đất giáo dục trước thực tế nhiều nhóm lớp, trường mầm non tư thục đang sử dụng đất ở để hoạt động.
* Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số kiến nghị cụ thể của tỉnh Đồng Nai trong phát triển hạ tầng, thiết chế văn hoá xã hội ở các KCN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.