Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đạt 56,9%. Cả nước còn hơn 5.000 phòng học nhờ, phòng học tạm không bảo đảm an toàn.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023-2024, tính riêng ở cấp học mầm non, cả nước còn hơn 5.000 phòng học nhờ, phòng học tạm không bảo đảm an toàn. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt khoảng 82%. Thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục mầm non, đặc biệt là ở vùng núi, địa bàn khó khăn.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đạt chuẩn, thiếu thiết bị theo quy định còn khá phổ biến ở vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ nhóm, lớp mầm non đáp ứng đủ thiết bị dạy học ở vùng khó khăn chỉ đạt 48%. Các hạng mục hỗ trợ như phòng giáo dục thể chất, nghệ thuật, phòng đa chức năng, thư viện ở nhiều cơ sở giáo dục mầm non chưa có.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo là do nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non còn hạn chế. Khoảng cách trong bảo đảm các điều kiện giáo dục giữa các vùng miền vẫn còn khá lớn. Chính sách đầu tư của Nhà nước cho giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập vẫn còn có điểm bất bình đẳng.
Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân của những khó khăn nêu trên còn do xuất phát điểm của giáo dục mầm non khá thấp so với các cấp học khác. Việc triển khai nhiều chương trình, đề án về giáo dục mầm non còn rất vướng, thậm chí không bố trí được kinh phí để triển khai.
Hiện nay, cả nước có gần 15.500 trường mầm non và gần 16.000 cơ sở độc lập (nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập). Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đạt 56,9%.
Hà Nội có 77,5% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Những năm qua, thành phố là một trong các địa phương dành nguồn lực lớn đầu tư phát triển giáo dục mầm non, duy trì chất lượng phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.