(HNM) - Để bảo đảm sự phát triển lành mạnh của thị trường viễn thông, cơ quan quản lý nhà nước đã áp dụng các quy định để
Khách hàng giao dịch tại một cửa hàng của Viettel. |
Dựa trên thị phần để xác định
Theo quy định tại Luật Cạnh tranh 2004 (Khoản 1 Điều 11): “Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh trên thị trường liên quan nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể”. Căn cứ theo quy định của Luật Viễn thông 2009 và Luật Cạnh tranh 2004, ngày 15-6-2015, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BTTTT sửa đổi một số quy định của Thông tư số 18/2012/TT-BTTTT về danh mục doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng. Theo đó, Thông tư 15/2015/TT-BTTTT xác định Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường với 3 nhóm dịch vụ điện thoại, nhắn tin, truy nhập internet. Còn theo công bố mới nhất của Sách trắng công nghệ thông tin - truyền thông 2017, Viettel là nhà mạng đang dẫn đầu về thị phần thuê bao di động 2G, 3G, với 46,7% (MobiFone 26,1%, VinaPhone 22,2%, Vietnamobile 2,9% và Gmobile 2,1%). Như vậy, vị trí thống lĩnh thị trường của Viettel là không thay đổi.
Theo quy định, Bộ TT-TT đang quản lý giá cước theo nguyên tắc phi đối xứng. Cụ thể, doanh nghiệp thống lĩnh thị trường phải đăng ký giá và giá cước không được thấp hơn giá thành đã được Cục Viễn thông xác nhận (tiền kiểm). Doanh nghiệp không giữ thị phần khống chế chỉ phải thông báo giá cước với Cục Viễn thông chậm nhất 3 ngày sau khi doanh nghiệp ban hành quyết định (hậu kiểm). Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, tại các cuộc họp, lãnh đạo Viettel đã nhiều lần kiến nghị Bộ TT-TT cần xem lại tiêu chí xác định doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường để cả 3 doanh nghiệp: Viettel, MobiFone và VinaPhone đều là thống lĩnh thị trường; đề nghị chuyển cơ chế quản lý giá cước, khuyến mãi từ tiền kiểm sang hậu kiểm...
Cũng tại các cuộc họp này, đại diện cơ quan quản lý là Cục Viễn thông, lãnh đạo Bộ TT-TT đã nhiều lần nhấn mạnh về việc đưa doanh nghiệp vào hay ra khỏi nhóm danh mục doanh nghiệp thống lĩnh thị trường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Bộ... Mặt khác, theo khảo sát của Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) năm 2016 tại 185 thành viên, thì có 83% quốc gia duy trì hình thức quản lý doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Đáng chú ý, phần lớn các nước dựa vào yếu tố thị phần để xác định doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.
Cần duy trì áp lực cạnh tranh
Như đã nêu ở trên, thị phần di động của Viettel đang ở thế áp đảo khi gấp gần 2 lần so với MobiFone và hơn 2 lần so với VinaPhone, để thấy rằng vị thế của Viettel hiện rất mạnh trên thị trường. Vì vậy, nếu không có biện pháp quản lý của Nhà nước, thì mỗi chương trình, chính sách về giá cước, khuyến mãi của Viettel đưa ra sẽ gây bất lợi không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, về lâu dài là tác động đến khách hàng, vì đã đẩy thị trường về thế độc quyền.
Trở lại thời điểm năm 2004 khi Viettel chính thức kinh doanh dịch vụ di động, Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (sau là Tập đoàn VNPT) gồm hai nhà mạng MobiFone và VinaPhone đang làm chủ với thế độc quyền trên thị trường. Ở giai đoạn này, giá cước thuê bao dịch vụ di động do VNPT áp dụng (năm 2003) là 120.000 đồng/thuê bao/tháng, cước cuộc gọi được chia theo vùng ở mức 3.000 - 4.000 đồng/phút, tính theo block 1 phút. Đến ngày 1-5-2004, VNPT lại giảm cước và áp dụng theo cách tính block 30 giây, thay cho 1 phút như trước; áp dụng cách tính 1 vùng cước, thay vì chia nhiều vùng như trước đây. Cũng ở thời điểm này, cả nước mới có khoảng 8 triệu thuê bao di động. Cùng với sự tham gia thị trường của Viettel, S-Fone, HT Mobile (tiền thân của mạng Vietnamobile), rồi Gmobile, giá cước dịch vụ di động liên tục giảm, thị trường cạnh tranh và đem lại lợi ích cho khách hàng. Minh chứng cho điều này có thể thấy, tuy dân số có hơn 90 triệu dân, nhưng tỷ lệ người dùng di động khoảng 130 triệu thuê bao.
Ông Tô Dũng Thái, Tổng Giám đốc VNPT VinaPhone cho rằng, cả ba doanh nghiệp Viettel, MobiFone, VinaPhone đều là doanh nghiệp nhà nước, nên nếu bỏ quy định doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, cả ba sẽ cùng bước vào cuộc chiến cạnh tranh về giá và đơn vị nào “yếu” hơn sẽ “chết”, đẩy thị trường về thế chỉ còn 2 hoặc 1 doanh nghiệp mạnh và như vậy khả năng “bắt tay” nhau để cùng tăng giá, hoặc độc quyền là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Hơn nữa, theo chỉ đạo của Chính phủ, từ nay đến năm 2020 sẽ cổ phần hóa VNPT và MobiFone, vậy nếu không có biện pháp quản lý, nếu cả VNPT và MobiFone cùng suy yếu, “ai” sẽ hưởng lợi?
Như vậy, việc xác định vị trí doanh nghiệp thống lĩnh thị trường là rất quan trọng, không chỉ bảo đảm cho thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, mà còn đem lại lợi ích về lâu dài cho người dùng di động. Quy định về doanh nghiệp thống lĩnh thị trường cũng được coi là tiêu chí quan trọng trong việc điều chỉnh quy định của nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2006/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động xúc tiến thương mại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.