Công nghệ

Hạ tầng viễn thông là hạ tầng chiến lược, trọng yếu

Việt Nga 12/11/2024 - 19:24

Chiều 12-11, Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành phiên họp. Các vấn đề về quản lý các mạng xã hội xuyên biên giới, về phát triển hạ tầng số tiếp tục được đại biểu quan tâm…

tbt-ttg.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên chất vấn chiều nay tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn

Tập trung phát triển hạ tầng số

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), Bộ trưởng Bộ thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua, bằng nhiều biện pháp, chúng ta đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Trong đó có các kết quả rất tích cực, như tăng tỷ lệ đáp ứng về gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật từ 10-20% năm 2018 lên trên 95% hiện nay; thời gian đáp ứng từ 48 tiếng trước đây rút xuống còn 24 tiếng và 12 tiếng, trong trường hợp đặc biệt, xử lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc trong vòng 2 tiếng, đồng thời gỡ bỏ các trang, các tài khoản vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng.

db-tham-du.jpg
Quang cảnh phiên chất vấn chiều 12-11. Ảnh: quochoi.vn

Các nền tảng mạng xã hội đã tự động rà quét, gỡ bỏ các thông tin vi phạm mang tính phổ quát như cờ bạc, mại dâm, ảnh hưởng đến trẻ em, kinh doanh các mặt hàng bị cấm, khủng bố; đồng thời có thể xác định được danh tính khi vi phạm.

Nhiều mạng xã hội lớn đã hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông tuyên truyền chống tin giả, tin lừa đảo trực tuyến, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.

Đặc biệt, các mạng xã hội đã đóng thuế theo hình thức trực tuyến tại Việt Nam trên 20.000 tỷ đồng, tăng khoảng 6 lần so với 2 năm trước.

Về phát triển hạ tầng số, trả lời chất vấn của đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Đoàn Quảng Ngãi), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, có 5 tuyến cáp quang biển và 2 tuyến cáp quang quốc tế trên đất liền. Theo kế hoạch, quý I-2025, sẽ có thêm 2 tuyến nữa được đưa vào vận hành khai thác.

Bộ đã ban hành chiến lược về cáp quang biển đến năm 2030, tăng lên 15 tuyến, dung lượng tăng 10 lần, đa dạng hóa hướng tuyến đi xuống phía Nam và đi vào Singapore, Malaysia, có tuyến nối với Nhật và Mỹ; đồng thời đa dạng hóa các nhà cung cấp, sửa chữa; đầu tư cho 2 tuyến cáp quang trên đất liền, bảo đảm ít nhất được 20% dung lượng.

Thông tin về ý kiến của đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Đoàn Sóc Trăng), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, còn khoảng 800 trạm phát sóng đang gặp khó khăn trong việc lắp đặt vì bị người dân phản đối. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định, hiện chưa có bằng chứng về việc các trạm phát sóng ảnh hưởng đến sức khỏe.

btr-nmh-chieu.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục trả lời chất vấn chiều 12-11. Ảnh: quochoi.vn

Hạ tầng viễn thông là hạ tầng chiến lược, trọng yếu như là hạ tầng giao thông, điện. Tuy nhiên, hạ tầng này chưa được chính quyền các địa phương coi trọng, nên việc xây dựng gặp không ít khó khăn. Do vậy, trong thời gian tới cần tuyên truyền để cho người dân hiểu về tầm quan trọng của hạ tầng số, hạ tầng viễn thông đối với đời sống của xã hội, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn, bảo đảm an toàn cho người dân. Luật Viễn thông mới cũng đã quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, chính quyền các cấp xử lý các hành vi vi phạm việc xây dựng hạ tầng viễn thông. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu các nhà mạng sử dụng những công nghệ mới nhất, khi ít người dùng thì giảm công suất phát sóng.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có chương trình nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu các nhà mạng thực hiện ngầm hóa cáp viễn thông, bảo đảm mỹ quan, an toàn.

Chú trọng 5 trụ cột cốt lõi

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin thêm về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về lĩnh vực thông tin và truyền thông. Ảnh: quochoi.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin thêm về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về lĩnh vực thông tin và truyền thông. Ảnh: quochoi.vn

Làm rõ một số vấn đề liên quan, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, thời đại của chúng ta là thời đại công nghiệp 4.0, kinh tế đang hướng tới là kinh tế xanh, đặc biệt là kinh tế số, trong đó lĩnh vực công nghệ thông tin là then chốt. Do vậy phải chú trọng 5 trụ cột cốt lõi: Hạ tầng về công nghệ thông tin; dữ liệu lớn; bảo mật công nghệ thông tin, an ninh mạng; nguồn nhân lực; ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, điện toán đám mây…

Với lĩnh vực báo chí, Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, phải hoàn thiện pháp luật báo chí và pháp luật có liên quan. Tăng cường đào tạo và tập huấn để theo kịp với công nghệ, yếu tố của thời đại. Định hướng tuyên truyền và cung cấp thông tin chính xác, mới mẻ, đúng đắn và có tính thời sự cao. Siết lại tiêu chí, tôn chỉ, mục đích của báo và tạp chí hiện nay. Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời. Đổi mới, tăng cường cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí, trong đó có chính sách thuế.

ctqh.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận về phiên chất vấn thuộc lĩnh vực Thông tin và truyền thông. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi. Tại phiên chất vấn đã có 36 đại biểu chất vấn, 9 đại biểu tranh luận. Với kinh nghiệm trong quản lý nhà nước và lần thứ 3 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, trả lời khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, có giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tập trung một số nội dung: Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin, truyền thông bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phát triển; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, đầu tư phương tiện, hệ thống công cụ kỹ thuật thực hiện nhiệm vụ quản lý thông tin trên không gian mạng; tiếp tục kiên cố hóa hạ tầng viễn thông, xây dựng các trạm thu phát sóng thông tin di động đến cấp huyện, xã.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hạ tầng viễn thông là hạ tầng chiến lược, trọng yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.