(HNM) - Thu tiền cao quá giá quy định; biến vỉa hè, lòng đường thành bãi trông xe... Đây là hiện tượng đang diễn ra tại nhiều tuyến phố của Hà Nội, đặc biệt trong dịp lễ, Tết.
Điểm trông xe tự phát ở phố Lò Sũ (quận Hoàn Kiếm). |
Quá tải, lộn xộn
Hiện nay, tồn tại hai hình thức trông xe sai phép: Chỉ hoạt động những ngày nghỉ lễ, cuối tuần; thường xuyên hoạt động. Đơn cử, tại các điểm trông giữ xe tự phát chỉ hoạt động vào ngày nghỉ lễ như 30-4, 1-5 vừa qua - xuất hiện nhiều ở khu vực công viên, trung tâm thương mại, phố đi bộ... chuyện khách hàng bị "chặt chém" diễn ra phổ biến.
Tại khu vực trước cổng Công viên Thủ Lệ (quận Cầu Giấy) như đầu đường Bưởi, Đào Tấn, Kim Mã đều có các điểm trông giữ xe tự phát do người dân tự căng dây hoặc trông tại trước cửa nhà. Chị Lê Thị Tuyết, ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy cho biết: “Ngày 30-4, tôi cho con đi Công viên Thủ Lệ chơi, vì không còn chỗ gửi xe nên tôi gửi vào một bãi tự phát có giá 15 nghìn đồng/xe máy. Biết là đắt nhưng không gửi nhanh thì hết chỗ”.
Tương tự, quanh không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, các điểm trông xe không phép ở phố Cầu Gỗ, hay số 26 phố Hàng Dầu mặc dù không căng dây, không chỉ dẫn, vé xe nhàu nát... nhưng vẫn thu của khách 20 nghìn đồng/xe máy.
Trong khi đó, tại tòa nhà VP6, Bán đảo Linh Đàm (Hoàng Mai), điểm trông giữ xe 1.200m2 chiếm hết lối ra vào của người dân. Đáng nói, hàng chục xe máy vẫn dựng ngay sát chân lư đốt vàng mã. Tại khu N, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân), đường nội bộ, vỉa hè biến thành các điểm trông giữ xe trái phép. Hoặc tại “điểm đen” số 24 Đặng Tiến Đông (quận Đống Đa), mỗi ngày có hơn 100 ô tô ra vào gửi xe ở diện tích đất dự án của Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp. Được biết, trước đây, UBND quận Đống Đa đã xử lý, yêu cầu chấm dứt hoạt động nhưng nay bãi trông giữ này lại núp dưới hình thức trông xe cho cán bộ, nhân viên Tổng công ty...
Đề xuất cấp phép tạm thời tại các ô đất trống
Bãi xe không phép ở chung cư HH Linh Đàm. |
Theo quy định, có 2 cấp chịu trách nhiệm cấp phép trông giữ phương tiện là Sở Giao thông - Vận tải cấp phép dưới lòng đường; UBND các quận, huyện cấp phép tại vỉa hè, các ô đất trống thuộc quyền quản lý. Về thẩm quyền xử lý của quận, huyện đối với các điểm trông xe tự phát vào ngày lễ, Tết luôn là vấn đề khó giải quyết.
Trung tá Nguyễn Thành Công, Đội trưởng Đội Trật tự - Cơ động, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, với các đối tượng trông xe nhỏ lẻ, tự phát, rất khó phát hiện, lấy bằng chứng. Nếu không đủ chứng cứ xử phạt thì lực lượng buộc phải mời họ về phường viết báo cáo, tường trình để ngăn chặn hành vi vi phạm. Vì vậy, cách hiệu quả nhất để xử lý là thường xuyên kiểm tra, xử phạt vi phạm, mức thấp nhất là 2,5 triệu đồng/trường hợp. Công an quận cũng đề xuất thành phố đưa các điểm trông xe có phép ra xa các khu vực trung tâm để tạo thói quen cho người dân sử dụng phương tiện công cộng.
Với các điểm trông xe không phép hoạt động thường xuyên, theo các quận, huyện, khó khăn nhất là dân số đông, phương tiện cá nhân quá tải, trong khi quỹ đất để cấp phép trông giữ phương tiện ít. Nhiều người dân chấp nhận bị nộp phạt, để xe dưới lòng đường vì không có nơi đỗ. Ông Vũ Quỳnh, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai cho biết, trên địa bàn quận Hoàng Mai có 186 điểm đỗ xe, thì có tới 168 điểm chưa có giấy phép. Mặc dù quận đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý vi phạm của các bãi xe không phép nhưng khi không còn nơi để gửi, người dân đỗ xe ngay dưới lòng đường, choán vỉa hè, mất mỹ quan. UBND quận đã báo cáo thành phố xin được cấp phép tạm thời 3-6 tháng với 90 điểm thuộc đất dự án, đất trống công ích, đất chờ quy hoạch để trông giữ xe; 78 điểm còn lại, quận sẽ xây dựng lộ trình xử lý, giải tỏa các điểm vi phạm để giải quyết tình trạng lộn xộn hiện nay.
Tương tự, các quận, huyện khác cũng đưa ra các giải pháp linh hoạt. Ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, địa bàn quận có 25 điểm trông giữ xe (12 điểm không phép). Quan điểm của quận là kiên quyết xử lý, giải tỏa các điểm vi phạm, không để tồn tại các điểm trông xe trái phép. Tuy nhiên, hiện còn một số khu đất chờ triển khai dự án (phần lớn là đất trống), UBND quận sẽ tổng hợp, báo cáo thành phố chấp thuận cho phép cấp giấy phép trông giữ phương tiện tạm thời...
Theo ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, toàn thành phố có 1.450 điểm trông giữ phương tiện, diện tích gần 39.000m2. Diện tích này mới chỉ đáp ứng 8-10% nhu cầu đỗ xe của người dân; 90-92% số phương tiện đang đỗ tại vị trí không được cấp phép, có nhiều vi phạm. Vì vậy, Sở Giao thông - Vận tải chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm điểm đỗ xe không phép, sai phép. Trong 4 tháng đầu năm 2019, có 151 trường hợp bị xử lý, phạt tiền hơn 548 triệu đồng. Về lâu dài, ông Tuấn cho biết, sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án bãi đỗ xe theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu trông giữ xe trên địa bàn thành phố.
Với những đề xuất của các quận, huyện về việc cấp phép tạm thời đối với đất dự án chưa thực hiện, bãi đất trống theo thời hạn 3-6 tháng, thiết nghĩ nên được xem xét. Về lâu dài, vẫn cần đẩy nhanh tiến độ các dự án bãi đỗ xe theo quy hoạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.