(HNM) - Ngày 16-2, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh cùng đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã kiểm tra công tác quản lý di tích (DT), tổ chức lễ hội tại Khu DT Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Phủ Tây Hồ (Hà Nội).
Sau khi kiểm tra thực tế, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, sự hưởng ứng và đồng lòng thực hiện của chính quyền và nhân dân Thủ đô trong việc quản lý DT, lễ hội, góp phần định hình nếp sống văn minh nơi thờ tự.
Sáng 16-2, lượng khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám (VM-QTG) Hà Nội không còn quá tải như những ngày nghỉ Tết. Sau khi đi kiểm tra, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh ghi nhận, việc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học VM-QTG Hà Nội bố trí đội ngũ thuyết minh, lắp đặt hệ thống bảng, biển giới thiệu về DT tại nhiều địa điểm đã góp phần quảng bá, giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa của DT nói riêng, của Thăng Long - Hà Nội nói chung đến bạn bè trong nước, quốc tế.
Đối với Hội chữ Xuân Bính Thân, Bộ trưởng đánh giá cao sự đổi mới trong cách tổ chức, quản lý của các đơn vị liên quan. Theo Bộ trưởng, Hội chữ Xuân chuyển vào khu vực Hồ Văn đã giải quyết triệt để tình trạng lộn xộn, ùn tắc tại DT Văn Miếu dịp Tết, góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị, đẹp cảnh quan đường phố. Mặc dù vậy, Bộ trưởng lưu ý BTC Hội chữ Xuân cần quan tâm đến nghệ thuật viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ.
Kiểm tra tại Phủ Tây Hồ sáng cùng ngày, Bộ trưởng đánh giá cao sự chuyển biến trong khâu tổ chức lễ hội của chính quyền, nhân dân quận Tây Hồ. Đó là việc sắp xếp lại hệ thống hàng quán, dịch vụ xung quanh khu vực DT; bố trí điểm trông giữ xe miễn phí; lắp đặt hệ thống bảng, biển giới thiệu về DT, hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự đặt tại nhiều vị trí… Chánh Thanh tra Bộ VH,TT& DL Vũ Xuân Thành cũng khẳng định sự chuyển biến tích cực đối với các hoạt động tại Phủ Tây Hồ năm nay.
Tuy nhiên, để khắc phục một số vấn đề tồn tại như: Du khách đặt tiền lễ, tiền giọt dầu chưa đúng nơi quy định; dâng cúng nhiều vàng mã, một số người đi lễ mặc trang phục không phù hợp, ông Vũ Xuân Thành đề nghị các ngành chức năng quận Tây Hồ cần quan tâm hơn tới công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của du khách khi tham gia hoạt động tín ngưỡng, lễ hội.
So với những năm trước, lượng khách đến DT VM-QTG và Phủ Tây Hồ Xuân Bính Thân tăng đột biến. Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học VM-QTG Hà Nội Lê Xuân Kiêu cho biết, trong 9 ngày đầu xuân, trung tâm đón tiếp hơn 210 nghìn lượt khách đến tham quan. DT Phủ Tây Hồ đón khoảng hơn một vạn lượt khách đến tham quan, chiêm bái.
Khẳng định hai DT trên là những DT chứa đựng chiều sâu lịch sử, văn hóa, có thế mạnh và tiềm năng phát triển du lịch, quảng bá văn hóa của Thủ đô, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh yêu cầu các ngành, các địa phương liên quan xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị các DT gắn liền với phát triển du lịch. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học VM-QTG Hà Nội cần tiếp tục sưu tầm, bổ sung các tài liệu, hiện vật liên quan đến DT, đặc biệt là việc sưu tầm, giới thiệu đề tài của các vị tiến sĩ thời xưa nhằm làm rõ hơn giá trị của DT; từng bước chứng minh sự liên quan của DT Văn Miếu ở các tỉnh, thành phố khác với DT VM-QTG Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan, tìm hiểu. Với Phủ Tây Hồ, Bộ trưởng đề nghị quận Tây Hồ và phường Quảng An tiếp tục xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh tại DT, lễ hội; không để tái diễn tình trạng ăn xin, đổi tiền lẻ.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết, hệ thống DT và lễ hội dân gian được đánh giá là thế mạnh, tiềm năng để Hà Nội phát triển du lịch văn hóa, vậy nên ngành văn hóa Thủ đô sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai nhiều biện pháp hợp lý để có thể đưa hoạt động lễ hội đi vào nền nếp; đưa một số DT, lễ hội trọng điểm trở thành những địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch.
Ông Vũ Xuân Thành (Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL): Hà Nội chỉ đạo rất quyết liệt Việc quản lý, tổ chức lễ hội năm nay được Thành ủy, UBND TP Hà Nội triển khai từ các sở, ngành chức năng đến các địa phương rất chặt chẽ. Nhờ đó, các lễ hội đã và đang diễn ra trên địa bàn thành phố có sự chuyển biến tích cực. Lễ hội Gióng ở Đền Sóc đã khắc phục được tình trạng xô xát, đánh nhau khi thực hiện nghi lễ cướp lộc; còn Phủ Tây Hồ đã "sạch" bóng ăn xin - vấn đề tồn tại nhiều năm. Bà Nguyễn Thị Hoa (trú tại phố Hai Bà Trưng, phường Thọ Sơn, TP Việt Trì, Phú Thọ): Không còn hoạt động hầu đồng tại Phủ Tây Hồ Tôi thường nghe nói đến Phủ Tây Hồ dịp đầu xuân sẽ được xem lễ hầu đồng nhưng đến đây, tôi được lực lượng chức năng cho biết hoạt động này không còn phổ biến, chỉ được tổ chức vào một số ngày lễ quan trọng trong năm. Tôi thấy mừng vì hoạt động này được quản lý chặt chẽ sẽ giúp cho nghi lễ văn hóa không bị biến tướng thành hoạt động mê tín dị đoan. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.