(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu thụ nông sản trên thị trường dần tăng cao. Nhằm quản lý chặt chất lượng sản phẩm nông nghiệp, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp với các quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, lấy mẫu xét nghiệm các sản phẩm có nguy cơ cao nhằm phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm.
Vẫn còn nhiều vi phạm
Hiện dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống mở cửa trở lại và nhu cầu thị trường nông sản dự báo tiếp tục tăng cao từ nay đến dịp Tết. Trong khi đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội mới chủ động được 65% nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm của người dân Thủ đô, số còn lại phải liên kết với các tỉnh bạn để đưa về thành phố… Do vậy, việc quản lý chất lượng nông sản, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cần được đặt ra với những yêu cầu cao hơn.
Để giám sát các loại nông sản, thực phẩm trên thị trường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết: Từ đầu năm 2021 đến nay, Chi cục đã lấy 821 mẫu để kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm và đã phát hiện 45 mẫu vi phạm. Các đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiêu hủy hơn 7.233kg hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc…, tổng giá trị hơn 224 triệu đồng.
Cũng về vấn đề này, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Khắc Diến cho biết: Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở NN&PTNT đã xử phạt vi phạm hành chính 10 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản (không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ...) với số tiền gần 190 triệu đồng.
Về nguyên nhân dẫn đến vi phạm an toàn thực phẩm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhận định: Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn nhỏ lẻ, manh mún; chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm. Việc xây dựng các cơ sở sản xuất an toàn ở một số địa phương chưa được chú trọng…
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung nêu thực tế: Địa bàn rộng, quản lý đa lĩnh vực nhưng số lượng cán bộ quá ít, lại kiêm nhiệm nhiều việc dẫn tới công tác tham mưu chưa hiệu quả; hoạt động kiểm tra xử lý vi phạm ở một số địa phương còn hạn chế, mới dừng lại ở việc nhắc nhở, nên tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm ít được cải thiện, nhất là với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ… là những khó khăn trong thực hiện giám sát an toàn thực phẩm hiện nay.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Từ nay đến cuối năm 2021, do nhu cầu về tiêu thụ nông sản tăng cao nên ngành Nông nghiệp xác định việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Thực hiện nhiệm vụ này, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, bên cạnh xây dựng những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; Phú Xuyên sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những quy định trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Huyện đề xuất ngành Nông nghiệp thành phố tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ làm công tác quản lý, giám sát an toàn thực phẩm ở cấp huyện, cấp xã.
Còn ở góc độ người sản xuất, theo Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Lan, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về sử dụng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc...; đồng thời tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Trước yêu cầu đặt ra từ thực tiễn, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, Sở đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm với nhiệm vụ phát triển ngành Nông nghiệp thành phố trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, tăng cường giám sát chất lượng, cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản trên diện rộng... Cùng với đó thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm.
“Ngành Nông nghiệp tiếp tục duy trì và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thành phố Hà Nội; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị nông sản an toàn để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho thị trường. Mặt khác, Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố thường xuyên cập nhật, giới thiệu các địa chỉ sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm để đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm, nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng", Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.