Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ cộng sinh hiệu quả, bền vững

Chí Kiên| 06/02/2023 07:07

(HNM) - Ngân hàng là lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm, liên quan tới toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng “ăn nên, làm ra” là nhờ sự phát triển của doanh nghiệp, người dân và ngược lại, ngân hàng phát triển cũng mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Quan hệ tín dụng - khách hàng chính là mối quan hệ cộng sinh và bình đẳng, mang đến lợi ích cho cả đôi bên.

Với phương châm đồng hành cùng phát triển, ngành Ngân hàng đã, đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Giải pháp hiệu quả đã được thực thi là điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; xem xét mở rộng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng vào thời điểm hợp lý; hỗ trợ lãi suất; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí… Nhờ vậy, kết quả tín dụng luôn tăng trưởng và bảo đảm chất lượng, an ninh, an toàn hệ thống. Tính đến ngày 21-12-2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021; dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến ngày 30-11-2022 đạt khoảng 279.732 tỷ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021.

Một điểm rất đáng chú ý là cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; nhất là những lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao); các động lực tăng trưởng; xây dựng khu công nghiệp; cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân… Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ; đồng thời tích cực, chủ động triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các lĩnh vực gặp khó khăn…

Và hơn hết, các tổ chức tín dụng đã có nhiều giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính để có dư địa giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Đồng thời tăng cường các giải pháp kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; thành lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…

Trong bối cảnh phát triển mới của đất nước với những yêu cầu cao hơn, ngành Ngân hàng phải tiếp tục hóa giải cho được những khó khăn, thách thức cả bên trong và bên ngoài để đáp ứng nguồn vốn ngày càng tăng cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, rộng hơn là cho cả nền kinh tế và đời sống nhân dân. Theo đó, việc điều hành chính sách tiền tệ cần đặt trong bối cảnh trong nước hiện nay khi sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất, kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp. Chưa kể, những tồn tại, hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế về cơ cấu kinh tế, năng lực sản xuất, các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tích tụ từ lâu chưa được xử lý dứt điểm. Quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn, nhưng độ mở lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế… Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng có thời điểm, có nơi chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Hóa giải thách thức, không cách nào khác là ngành Ngân hàng tiếp tục kiên định điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ một cách chắc chắn, chủ động, linh hoạt để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Với quan điểm này, tại cuộc gặp mặt nhân dịp đầu xuân mới và giao nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Ngân hàng diễn ra ngày 27-1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Kiên quyết không để người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mà lại thiếu vốn để đầu tư kinh doanh”.

Như vậy, nhiệm vụ rất quan trọng đối với ngành Ngân hàng là điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, bảo đảm đủ vốn cho nền kinh tế với chi phí, lãi vay hợp lý, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Nói cách khác, việc quan trọng trong thanh khoản và lưu thông tiền tệ là phải hướng dòng vốn đi đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; song song với bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống tín dụng.

Ở góc độ các tổ chức tín dụng, cần tiếp tục nâng cao năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, bảo đảm dòng tín dụng an toàn, lành mạnh là vì lợi ích của ngân hàng, lợi ích của doanh nghiệp và người dân, để nhân dân thụ hưởng thành quả và tin tưởng vào hệ thống ngân hàng. Đó cũng chính là cách xây dựng mối quan hệ cộng sinh hiệu quả và bền vững, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ cộng sinh hiệu quả, bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.