Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phục vụ nhân dân đón Tết

Gia Khánh| 30/11/2022 06:53

(HNM) - Dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân tăng cao. Vì vậy, các sở, ngành của thành phố Hà Nội và doanh nghiệp phải chuẩn bị sớm nguồn cung, phương án vận tải, rà soát hệ thống phân phối, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Đặc biệt, cần bảo đảm cung - cầu góp phần bình ổn thị trường, không làm tăng giá đột biến ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Theo thống kê, dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thành phố Hà Nội chuẩn bị lượng hàng hóa dự trữ tăng 10-15% so với các tháng bình thường. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và Nhâm Dần 2022, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội có giá trị khoảng 39.000 tỷ đồng. Nhờ đó, nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết đáp ứng đủ, không xảy ra tình trạng khan hiếm hay tồn hàng sau Tết.

Hiện nay, dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế Thủ đô phục hồi rõ nét, đời sống của nhân dân được cải thiện, nên dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nhu cầu mua sắm tăng cao hơn cùng kỳ năm trước. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết khoảng 39.500 tỷ đồng. Nhóm hàng cần bảo đảm cung - cầu trong dịp Tết là lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả, bánh, mứt, kẹo, hoa tươi, hàng điện máy, may mặc, xăng, dầu…

Hệ thống cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố, ngoài kênh bán hàng truyền thống với 28 trung tâm thương mại, 132 hệ thống siêu thị, 453 chợ, hàng chục nghìn cửa hàng tiện lợi, tạp hóa…, còn có hơn 1.000 chuỗi kinh doanh nông sản, thực phẩm, liên kết sản xuất - tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh, thành phố với Hà Nội. Ngoài ra là kênh đa phương tiện với khoảng 600 điểm cung ứng hàng thiết yếu của các sàn thương mại điện tử, hệ thống phân phối lớn.

Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường, yêu cầu đặt ra đối với cơ quan quản lý là theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả hàng hóa phục vụ Tết để chủ động xây dựng các phương án, hoặc kịp thời đề xuất các giải pháp vận chuyển, điều chuyển hàng hóa tại những khu vực thị trường xảy ra biến động. Cùng với đó, lực lượng chức năng cần kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, đầu cơ tăng giá bất hợp lý, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...

Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, vì vậy, cơ quan chức năng cần chủ động hướng dẫn doanh nghiệp biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa. Những năm qua, thành phố Hà Nội đã làm rất tốt việc kết nối, hỗ trợ các địa phương đưa hàng hóa, nông sản về tiêu thụ, góp phần tăng nguồn cung hàng hóa trên địa bàn.

Về phía các doanh nghiệp, cần bảo đảm nguồn cung tăng tối thiểu 30% ngoài kế hoạch của thành phố. Đồng thời, cần chủ động phối hợp với cơ quan quản lý triển khai hiệu quả chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu và dự trữ hàng hóa để sẵn sàng ứng phó khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Trong khi đó, các đơn vị phân phối chủ động khai thác thêm nguồn hàng mới, tổ chức điểm bán hàng lưu động khi có yêu cầu, khuyến khích triển khai các chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt, việc tổ chức điểm bán hàng, chuyến hàng phục vụ Tết tại khu vực ngoại thành, khu - cụm công nghiệp, khu chế xuất là giải pháp hiệu quả hỗ trợ người lao động, người thu nhập thấp mua sắm hàng chất lượng với giá cả hợp lý.

Thực tế, việc bảo đảm cung - cầu thị trường dịp Tết vừa góp phần thúc đẩy thị trường nội địa, đóng góp cho phát triển kinh tế, vừa phục vụ nhân dân đón Tết cổ truyền vui tươi, đầy đủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phục vụ nhân dân đón Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.