(HNM) - Là một trong 3 mũi nhọn của Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, việc tổ chức, sắp xếp lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, luôn thu hút sự quan tâm của dư luận.
Trước thềm năm mới 2014 được dự báo còn tiềm ẩn nhiều thách thức, các DNNN bước đầu triển khai việc hiện thực hóa đề án TCC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Liệu những "đầu tàu kinh tế" sau thời TCC có hội tụ được tiềm lực để sẵn sàng gánh vác những trọng trách góp phần chèo lái nền kinh tế vượt qua thử thách mới?
Hàng may mặc chất lượng cao là một thế mạnh xuất khẩu của kinh tế Việt Nam. Ảnh: Viết Thành |
Khép lại một năm đầy thách thức
Không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia, năm 2013, kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do nền kinh tế toàn cầu chưa hồi phục sau cơn lốc suy thoái. Mặc dù có nhiều ưu thế về vốn, đất đai và tiềm lực tài chính, song nhiều DNNN cũng đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cuối tháng 11-2013 cho thấy, kết thúc năm tài chính 2012, cả nước có 846 DNNN, trong đó có 8 tập đoàn kinh tế (TĐ), 97 tổng công ty nhà nước (TCT) và khối các công ty TNHH một thành viên. Trong đó, hầu hết DNNN vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), đóng góp tích cực nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN). Tổng tài sản của khối DNNN tăng 13% so với thực hiện năm 2011. Trong cơ cấu về tài sản, tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 45%, trong đó khối các TĐ, TCT, công ty mẹ - con có tổng tài sản chiếm 85% tổng tài sản của các DNNN toàn quốc; các DN còn lại chiếm 15%. Vốn chủ sở hữu của DNNN tăng 26%, doanh thu tăng 4,3% so với thực hiện năm 2011. Lợi nhuận trước thuế của khối tăng 12%, nộp NSNN 221.673 tỷ đồng, tăng 7%...
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ nhiều "vấn đề" đáng quan ngại của các "quả đấm thép" với tổng số nợ phải thu năm 2012 của các TĐ, TCT lên tới 275.975 tỷ đồng. Trong đó, nợ khó đòi là 13.490 tỷ đồng, tăng 24,5%. Tổng số hàng tồn kho của các đơn vị lên tới 222.264 tỷ đồng, chiếm 9,3% tổng tài sản. Tổng số nợ phải trả của TĐ, TCT là 1.348.752 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2011… Một số đơn vị hoạt động SXKD giảm sút như: TĐ Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam doanh thu bằng 86% và lợi nhuận bằng 40% so với năm 2011. TĐ Cao su Việt Nam, doanh thu bằng 91%, lợi nhuận bằng 80%...
Triển khai đề án TCC tổng thể nền kinh tế, đến cuối năm 2013, đã có 83/91 TĐ, TCT xây dựng đề án TCC. Một số đơn vị được phê duyệt đề án TCC đã tập trung thực hiện TCC 3 mục tiêu gồm: Tổ chức, sắp xếp lại DN; TCC về tài chính và TCC về quản trị, lao động. Nhận xét về tiến trình TCC, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù đề án TCC tổng thể nền kinh tế đã triển khai được 2 năm, công việc còn rất bề bộn, song việc sắp xếp lại khối DNNN sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng nhằm tìm ra hướng phát triển bền vững cho nền kinh tế.
Sắp xếp lại những "đầu tàu" kinh tế
Sau khi được Chính phủ phê duyệt đề án TCC, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã sớm triển khai việc sắp xếp lại những lĩnh vực kinh doanh chính: Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện, dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Mục tiêu sau khi TCC là trở thành TĐ kinh tế mạnh, năng động, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế; phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển và bảo đảm an ninh năng lượng. Hiện tại, PVN đã xem xét và phê duyệt đề án TCC của hầu hết các đơn vị thành viên theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Trong đó, công ty mẹ vừa thực hiện chức năng đầu tư tài chính vừa trực tiếp sản xuất kinh doanh. Các công ty con sẽ chuyên môn hóa vào từng lĩnh vực SXKD phù hợp với ngành nghề của công ty mẹ với mô hình gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả, có lãi. Đối với các khoản đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, PVN và các đơn vị thành viên sẽ thực hiện bán bớt cổ phần, bảo đảm hoạt động thoái vốn hiệu quả, theo đúng quy định.
Là đơn vị kinh doanh một trong những mặt hàng đầu vào thiết yếu của nền kinh tế, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng bắt tay thực hiện TCC đề án đã được phê duyệt. 5 lĩnh vực hoạt động chính của Petrolimex sau khi TCC là kinh doanh xăng dầu (làm trục chính) và vận tải xăng dầu, hóa dầu, gas, xây lắp chuyên ngành. Quá trình TCC sẽ giúp Petrolimex hoạt động theo mô hình TĐ đa sở hữu với mô hình công ty mẹ - công ty con và công ty liên kết. Việc chuyển đổi hình thức sở hữu của công ty mẹ từ công ty nhà nước sang công ty cổ phần sẽ giúp Petrolimex huy động nguồn vốn của xã hội, phục vụ đắc lực cho hoạt động đầu tư phát triển. Bên cạnh việc phân bổ lại nguồn lực con người, tài chính, phát triển cơ sở vật chất, Petrolimex sẽ hướng tới mô hình hoạt động tiên tiến, gọn nhẹ, hoàn thành tốt vai trò bảo đảm an ninh năng lượng, bình ổn thị trường xăng dầu, góp phần vào việc điều tiết các cân đối lớn của nền kinh tế…
Việc đẩy nhanh quá trình TCC các TĐ, TCT dự kiến sẽ góp phần hồi phục sức mạnh của các DN từng một thời được mệnh danh là "quả đấm thép", đưa các TĐ, TCT trở lại vị trí "đầu tàu", góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: - Việc TCC DNNN phải có nguồn lực hỗ trợ, xuất phát từ mục tiêu cụ thể của từng DN chứ không đi theo kế hoạch chung. Nên chọn một vài TĐ, TCT để tập trung thực hiện và hỗ trợ TCC theo từng tình huống cụ thể của DN, sau đó mới TCC trên diện rộng. Bên cạnh các phần việc cụ thể, cần xây dựng cơ chế để DN có thể sử dụng nguồn lực từ chính DN nhằm xử lý vấn đề phát sinh khi TCC. Nên tạo điều kiện cho các TĐ, TCT được tăng tỷ lệ vốn góp vào các công ty cổ phần thuộc ngành nghề kinh doanh chính để đạt tỷ lệ vốn nắm giữ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương: - TCC DNNN là mấu chốt quan trọng trong Đề án tổng thể TCC nền kinh tế. Để TCC một DNNN, cần bắt đầu từ TCC về tài chính, bởi nếu lĩnh vực này làm không tốt thì sẽ khó tái cấu trúc các lĩnh vực khác như sản phẩm, cơ cấu quản lý bởi vì ai sẽ là người đứng ra gánh số nợ này. Do vậy, nếu TCC theo kiểu khoanh nợ, giãn nợ nhưng lại không có phương án trả nợ hay trả nợ bằng cách nào, nguồn tiền ở đâu thì rất khó thành công. Bà Lê Thị Hồng Hạnh, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực I: - Mục tiêu trước mắt là phải phân loại DN, dựa trên tình hình tài chính thực chất, từ đó, chấp nhận hy sinh những DN không có khả năng tồn tại lâu dài, thoái vốn ở những ngành nghề không phải là ngành chính, rủi ro cao. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.