Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phú Thọ xin ý kiến Ban Bí thư về hai mẫu phác thảo Tượng đài Hùng Vương

Tuyết Minh| 05/01/2017 18:58

(HNMO)- UBND tỉnh Phú Thọ vừa trình Ban Bí thư xin ý kiến chỉ đạo và quyết định lựa chọn một trong hai mẫu Tượng đài Hùng Vương đã được Hội đồng nghệ thuật Cuộc thi sáng tác phác thảo mẫu Tượng đài Hùng Vương bình chọn.

Hai mẫu phác thảo Tượng đài Hùng Vương được Hội đồng nghệ thuật bình chọn.



Cuộc thi sáng tác phác thảo mẫu Tượng đài Hùng Vương nhằm tuyển chọn phương án tối ưu, đáp ứng tối đa yêu cầu về thẩm mỹ, không gian, cảnh quan, kiến trúc quy hoạch, công năng sử dụng, có tính khả thi cao… Đây là việc làm thể hiện tấm lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên, góp phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại đã được UNESCO vinh danh.

Đã có phương án nhận được 90% sự đồng thuận

Theo đó, sau khi phát động cuộc thi, BTC nhận được 21 phương án, tác phẩm gửi đến tham gia cuộc thi, sau 3 lần bỏ phiếu bầu chọn Hội đồng nghệ thuật đã thống nhất xét ra 3 phương án, tác phẩm tiêu biểu được vào vòng 2. Sau đó, Hội đồng nghệ thuật cuộc thi đã lựa chọn được hai phương án vào vòng Chung kết gồm: Phương án HV-01 của công ty TNHH xây dựng Mỹ thuật Hà Nội và Phương án HV-03 của nhóm tác giả Phạm Xuân Khánh.

Mẫu phác thảo HV-01 đạt 82,2% phiếu bình chọn của người dân và 100% phiếu bình chọn Hội đồng nghệ thuật.



Các phương án, tác phẩm được chọn tiếp tục được các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện, thể hiện nâng cao mẫu phác thảo theo thể lệ cuộc thi và góp ý của Hội đồng nghệ thuật. Trong thời gian này, BTC đã trưng bày 3 tác phẩm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng để lấy ý kiến nhân dân và các nhà chuyên môn. Kết quả, trong 9.991 phiếu, phương án HV-01 đạt 8.213 phiếu (82,2%), phương án HV-03 đạt 1.061 phiếu (10,62%) và phương án HV-02 đạt 717 phiếu (7,18%).

Hội đồng nghệ thuật cuộc thi đã xem xét và tiến hành bỏ phiếu bình chọn, thống nhất chọn 2 phương án, tác phẩm tiêu biểu nhất trong vòng 2. Kết quả phương án HV-01 của Công ty TNHH xây dựng Mỹ thuật Hà Nội đạt 9/9 phiếu (100%), phương án HV-03 của nhóm tác giả Phạm Xuân Khánh đạt 8/9 phiếu (88,9%). Tỉnh Phú Thọ đã trình Ban Bí thư Trung ương Đảng xin ý kiến chỉ đạo và quyết định lựa chọn mẫu phác thảo Tượng đài Hùng Vương để tiếp tục triển khai các bước tiếp theo.

Mẫu phác thảo HV2



Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, thành viên Hội đồng Nghệ thuật cho biết: Các mẫu phác thảo đều có thiện cảm, về tạo hình đều gửi gắm ý tưởng và tinh thần của nhân vật vào dáng đứng và đôi tay. Tuy nhiên, mẫu tượng HV 01 có ưu điểm nổi trội hơn hẳn nên đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ phía hội đồng nghệ thuật.

Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật cuộc thi phác thảo lấy mẫu Tượng đài Hùng Vương (ngày 5/1/2017) cho biết: Tuần tới, tỉnh sẽ có buổi làm việc với Trung ương về việc thẩm định và đưa ra lựa chọn mẫu để triển khai thực hiện. Sau đó tỉnh Phú Thọ sẽ tiến hành kêu gọi xã hội hóa để xây dựng Tượng đài Hùng Vương.

Mẫu phác thảo Quốc Tổ Hùng Vương phải là hình tượng gần gũi với dân

Bà Phạm Thị Mai Hoa - Tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng mỹ thuật Hà Nội, nghệ nhân đúc đồng đã từng đúc tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông (Yên Tử) cũng là người có mẫu Tượng đài Hùng Vương HV01 cho biết: “Hình tượng Quốc Tổ Hùng Vương là một nhân vật lịch sử gắn liền với thời đại Hùng Vương, một biểu tượng của trí tuệ, nhân cách, anh linh, phản ánh ý chí kiên cường của tổ tiên trong thời kỳ dựng nước. Tác phẩm thể hiện ước vọng vươn lên và hướng tới những giá trị nhân văn tốt đẹp nhất của cả dân tộc Việt Nam. Khẳng định quốc gia Việt Nam có nguồn gốc từ lâu đời và được nhiều thế hệ vun đắp, bảo vệ và dựng xây. Tượng Quốc Tổ Hùng Vương phải là hình tượng gần gũi, thân thương với nhân dân, với đồng bào và phản ánh nền văn minh lúa nước của Việt Nam có từ thời đại Hùng Vương”.

Theo đó, về cơ bản, hình tượng Quốc Tổ Hùng Vương chiếm vai trò chủ đạo với hình tượng Người đứng trên bệ vững chắc với hình khối khỏe khoắn, gương mặt quắc thước nhưng hiền từ, gần gũi trong tư thế đứng hiên ngang, tự tin của một vị vua khởi đầu dựng nước. Tay phải giơ ngang ngực hướng về phía trước tạo sự giao lưu với công chúng như là hình ảnh đón con cháu về, một tay đỡ những bông lúa thể hiện cho nền văn minh lúa nước, văn minh nông nghiệp. Trang phục của Tượng Quốc Tổ Hùng Vương được tham khảo từ các hoa văn trang trí chủ yếu từ trên đồ đồng thời Đông Sơn, được tiếp thu và vận dụng phù hợp với tư thế của tượng.

Mẫu phác thảo HV1 



Phần bệ tượng được tạo hình và bố cục hài hòa khỏe khoắn và vững chãi, ăn nhập với phần tượng tạo thành một tổng thể nghệ thuật thống nhất. Tượng Quốc Tổ Hùng Vương đặt trên bệ chắc chắn thể hiện sự bề thế của thời đại đầu dựng nước mà trong truyền thuyết chúng ta được biết về sự tích Sơn Tinh – Thủy Tinh, thể hiện con người thời Vua Hùng khai phá, chế ngự thiên nhiên, thời kỳ của bước phát triển từ đồ đá sang thời đại kim khí với đồ đồng và đồ sắt sớm qua hình tượng Ông Gióng đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng lãnh thổ. Bệ tượng là hình khối điêu khắc chuyển tải nội dung hồn thiêng sông núi theo truyền thuyết, được cách điệu mây và chim lạc, thuyền và sóng nước gợi về nền văn hóa Đông Sơn thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc, được bố cục chắt lọc về hình, khối và không gian. Mây và chim lạc được bố cục với hình khối điêu khắc cân bằng, đan xen ẩn hiện, hòa quyện và ăn nhập với bố cục của tượng. Mặt sau của bệ tượng được bố cục hình khối cong so với phần bệ phía trước tạo sự thay đổi và thế vững chắc cho phần tượng. Phần sóng được bố cục nổi nối tiếp liên hoàn. Phần phù điêu được khắc chìm về hình khối với nội dung bố cục về hoạt cảnh văn hóa đời sống thời Văn Lang – Âu Lạc. Phù điêu được bố cục theo mô típ kế thừa phần mỹ thuật trang trí thời kỳ Đông Sơn.

Toàn bộ bố cục tượng và bệ tượng cho thấy sự chắc khỏe, đa dạng của hình khối, và sự phối hợp các hoa văn trong một thể thống nhất giúp cho người xem dễ cảm nhận đây là Tượng đài thể hiện Quốc Tổ Hùng Vương và có phong cách đặc trưng của thời kỳ Vua Hùng dựng nước. Công trình toát lên tổng thể được giao diện văn hóa, lịch sử, chính trị và có tính thẩm mỹ cao.

Dự kiến, Tượng đài Quốc Tổ Hùng Vương được xây dựng bằng chất liệu bền vững: Bố cục của phác thảo có thể thể hiện được trên cả hai chất liệu đá và đồng. Phác thảo thể hiện phong cách bố cục mới nhưng gắn liền với lịch sử tổ tiên mà chỉ có thể xây dựng tại khu di tích lịch sử Đền Hùng. Tượng đài được xây dựng ở vị trí cao, có tầm nhìn thoáng rộng. Với vị trí đặt tượng, hướng chính của Tượng đài phù hợp với công trình điêu khắc hoành tráng theo trục Bắc – Tây Bắc, không ảnh hưởng đến tầm nhìn và ánh sáng, đáp ứng được các góc nhìn khác nhau từ nhiều hướng. Tượng đặt ở vị trí và hướng như vậy tạo liên hoàn giữa các công trình: quảng trường, sân khấu, cảnh quan đã có thành một quần thể chung. Chiều cao tổng thể của Tượng đài là 36m; Chiều rộng là 35m; Chất liệu thể hiện là đồng hoặ đá khối Thanh Hóa. Với quy mô như dự kiến, Tượng Quốc Tổ Hùng Vương bề thế, hoành tráng, thỏa mãn được tầm nhìn từ các hướng phù hợp với không gian và không phá vỡ cảnh quan.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phú Thọ xin ý kiến Ban Bí thư về hai mẫu phác thảo Tượng đài Hùng Vương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.