(HNM) - Trong những năm qua, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn Hà Nội ngày càng có sức lan tỏa và thu hút nhiều nông dân tham gia.
Hà Nội cần có thêm nhiều biện pháp hỗ trợ hơn nữa để thúc đẩy mạnh mẽ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Ảnh: Thái Hiền |
Xuất hiện nhiều tỷ phú nông dân
Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì), Nguyễn Thị Mai Yến cho hay: "Xã Tản Lĩnh đã phát triển nhiều mô hình chăn nuôi cho giá trị kinh tế cao như nuôi bò sữa và đà điểu. Một trong những điển hình về nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương phải kể tới anh Nguyễn Văn Trung (ở thôn Tam Mỹ), người đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi đà điểu cho hiệu quả kinh tế cao".
Anh Trung chia sẻ, năm 2007, anh mạnh dạn đầu tư hơn 300 triệu đồng để mua 50 con đà điểu giống về nuôi trên diện tích hơn 1.000m2. Đàn đà điểu của anh từ chỗ có trọng lượng 20kg/con, nay đã tăng lên 100kg/con và sinh sản khá nhanh, mỗi con mái đẻ 30-40 trứng/năm. Tổng đàn đà điểu của anh Trung hiện có gần 100 con. Với giá bán 280.000 đồng/kg, mỗi tháng xuất bán 3 tấn, thu về trên 2 tỷ đồng/năm, trừ chi phí mỗi năm anh lãi trên 700 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho mình, anh Trung còn giải quyết việc làm cho 5 lao động với mức lương trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Trong lĩnh vực trồng trọt, cũng có nhiều điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi như hộ ông Lê Đức Giáp ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai. Với mô hình trồng cây ăn quả, mỗi năm gia đình ông thu lãi 200 - 350 triệu đồng. Hộ ông Tạ Văn Thắng, ở xã Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa) với mô hình trang trại VAC kết hợp mở lò ấp trứng gia cầm, mỗi năm có thu nhập khoảng 1,6 tỷ đồng.
Phát huy vai trò "bà đỡ"
Phong trào nông dân SXKD giỏi đã và đang lan tỏa mạnh mẽ. Các cấp hội nông dân (HND) đã trở thành "bà đỡ" giúp nhiều nông dân thoát đói nghèo, vươn lên làm giàu. Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch HND TP Hà Nội, cho biết, 5 năm qua đã có hơn 900.000 lượt hội viên đăng ký đạt hộ nông dân giỏi các cấp, đạt tỷ lệ trung bình 62,3%. Để thúc đẩy phong trào phát triển, các cấp hội đã tập trung vận động nông dân dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng: Năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh cao. Từ đó, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Trồng hoa ở Mê Linh, Từ Liêm, Tây Hồ, Đông Anh; rau an toàn ở Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Trì, Hoàng Mai; cây ăn quả ở Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thanh Oai; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa, Sơn Tây, Ba Vì...; chăn nuôi bò sữa ở Ba Vì, Gia Lâm. Đến nay, toàn thành phố có 1.757 mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Các cấp hội đã chủ động phối hợp với các ngành tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật... cho nông dân. Bên cạnh đó, hội còn phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội giúp nông dân vay 3.857,6 tỷ đồng phát triển sản xuất. Hiện nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố đạt gần 400 tỷ đồng, đã giúp gần 70.000 lượt hộ nông dân vay vốn. Với chủ trương đổi mới hoạt động, HND TP Hà Nội còn tập trung mở các hội nghị đầu bờ, tăng cường tham quan thực tế tại các mô hình hiệu quả.
Năm năm qua, đã có 552 hộ nông dân được UBND TP Hà Nội vinh danh. Tuy nhiên, để phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa, theo HND TP Hà Nội, Trung ương HND cần xây dựng chương trình hoạt động, có bố trí kinh phí cụ thể. Hiện nay, mức vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố mới là 5 triệu đồng/hộ, không còn phù hợp với thực tế. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần nâng mức vay từ 50 triệu đồng tới 300 triệu đồng mới giúp các hộ có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.