(HNM) - Ngày 3-1-2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.
Thực chất việc bắt buộc phải kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là một giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, việc kê khai tài sản còn nặng tính hình thức và chưa được thực hiện nghiêm túc. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cũng chưa có sự chú trọng đúng mức trong việc xác minh tài sản kê khai của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai tài sản còn nhiều hạn chế. Đó chính là lý do khiến giải pháp này chưa phát huy được hiệu quả.
Trong bài trả lời phỏng vấn của TTXVN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một công việc lâu dài, rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách đồng bộ, toàn diện, kết hợp nhiều biện pháp, trong đó phòng phải là cơ bản, chống phải làm quyết liệt. Và theo Tổng Bí thư, phải làm cho người ta không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng. Muốn vậy, những biện pháp trong phòng, chống tham nhũng như việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản phải được các cơ quan, tổ chức, đơn vị và từng cá nhân thực hiện một cách chặt chẽ, nghiêm túc. Có như vậy, biện pháp này mới có tác dụng tích cực trong công tác phòng ngừa.
Lại nhớ, tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng bọn "tổ chức người khác trốn đi nước ngoài" vừa diễn ra, với vai trò người làm chứng, Dương Chí Dũng đã khai việc mang 500.000 USD tới nhà một cán bộ công an cao cấp nhờ "giúp đỡ". Trước đó, tại phiên tòa xét xử vụ tham nhũng tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), một bị cáo cũng khai nhận đã từng kéo cả một va ly đựng… 1 triệu USD đến đưa cho Dương Chí Dũng. Tất nhiên còn phải điều tra làm rõ tính chính xác của những lời khai trên. Nhưng thực tế đó cho thấy, bây giờ chuyện hối lộ, quà cáp, biếu xén tiền hoặc tài sản trị giá hàng tỷ đồng Việt Nam không còn là hiếm. Và chắc chắn đã có không ít người "đổi đời" từ những "món quà" như vậy. Cùng với điều đó là sự tha hóa nhân cách, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; xã hội cũng luôn tiềm ẩn sự mất ổn định bởi những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án…; lòng tin của người dân bị xói mòn.
Câu hỏi đặt ra là, nếu như việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản được thực hiện chặt chẽ thì không lẽ họ nhận tiền hối lộ để ném xuống sông, xuống biển? Chắc chắn không thể có chuyện đó. Không ai đánh đổi sinh mạnh chính trị và danh dự của mình để đi làm công việc vô nghĩa như thế. Nhưng vẫn có người cho, vẫn có người nhận là vì vẫn còn những cách thức… hợp pháp hóa số tài sản do phạm tội mà có để tư lợi cho bản thân.
Đến đây có thể thấy, chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản là hết sức quan trọng và cần thiết. Tổ chức thực hiện nghiêm chỉ thị này chính là hướng tới mục tiêu làm cho người ta không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng. Đây cũng chính là cái gốc trong phòng ngừa loại tội phạm này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.