(HNM) - Cách đây 3 tháng, khi nhiều quốc gia phải căng mình đối phó với dịch Covid-19 thì châu Phi vẫn được coi là khu vực khá an toàn. Đến ngày 15-2, ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đầu tiên mới được phát hiện tại châu lục này. Tuy nhiên, dịch bệnh lây lan với tốc độ nhanh trong những ngày gần đây đã buộc Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải lên tiếng báo động về một kịch bản không mong muốn nếu Lục địa đen không kiểm soát dịch bệnh mạnh mẽ.
Hiện, dịch Covid-19 đã bao trùm 55 quốc gia tại châu Phi với số ca nhiễm lên tới 20.722 người, 1.030 bệnh nhân tử vong. Báo cáo mới nhất của Ủy ban Kinh tế châu Phi thuộc Liên hợp quốc cho rằng, châu Phi có thể sẽ ghi nhận tới 300.000 ca tử vong do Covid-19 kể cả trong kịch bản tích cực nhất - thực thi các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt. Còn trong kịch bản xấu nhất khi không có sự can thiệp tích cực, số ca tử vong có thể lên tới 3,3 triệu người và 1,2 tỷ người nhiễm bệnh. Liên hợp quốc cảnh báo, bất cứ kịch bản nào cũng đều là quá tải đối với các hệ thống y tế vốn rất mong manh và thiếu đầu tư của châu lục này.
Theo nhận định của các chuyên gia y tế, dịch bệnh tại châu Phi bùng phát muộn hơn châu Âu vài tuần nhưng lại có cùng tốc độ gia tăng, trong khi vẫn đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng như nghèo khó, mật độ dân cư đông, hệ thống y tế gần như luôn trong tình trạng quá tải vì các dịch bệnh khác như lao phổi, HIV/AIDS… Theo thống kê mới nhất của WHO, Liên minh châu Âu có trung bình 37 bác sĩ/1.000 người dân trong khi tỷ lệ này tại châu Phi chỉ là 1 bác sĩ/1.000 người dân. Số lượng giường bệnh tại đây vỏn vẹn là 5.000. Điều đó có nghĩa là chỉ có khoảng 5 giường bệnh/1 triệu người, chênh lệch xa so với mức gần 4.000 giường bệnh/ 1 triệu người ở các nước châu Âu.
Thông thường, những bệnh nhân Covid-19 nghiêm trọng cần phải được chuyển đến các bộ phận chăm sóc đặc biệt, nơi được trang bị máy thở để hỗ trợ. Tuy nhiên, theo số liệu của WHO, châu Phi chỉ có khoảng 2.000 máy thở sẵn sàng phục vụ trong hệ thống y tế cộng đồng. Bà Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực châu Phi của WHO nhận định, việc thiếu hụt các trang thiết bị cần thiết trong các cơ sở điều trị Covid-19 sẽ cản trở nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh.
Ngoài ra, xét nghiệm cũng là một vấn đề khó khăn ở châu lục này. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết, hàng chục quốc gia ở châu Phi không có năng lực tự xét nghiệm phát hiện vi rút SARS-CoV-2. Các nước này phải gửi mẫu bệnh phẩm tới các nước phát triển hơn như Nam Phi và chờ đợi kết quả. Trong khi đó, bản thân Nam Phi cũng phải đối mặt với số ca nhiễm ngày càng tăng nhanh. Vì vậy, nhiều nhận định cho rằng, số ca nhiễm Covid-19 tại châu Phi trên thực tế có thể lớn hơn nhiều so với con số được công bố chính thức.
Hiện Liên minh châu Phi, thông qua CDC châu Phi, đã kích hoạt Trung tâm Hoạt động khẩn cấp và hệ thống quản lý sự cố (IMS) để xử lý sự bùng phát của dịch Covid-19 trên toàn châu lục. Nhiều quốc gia đã ban hành lệnh giới nghiêm hoặc cách ly xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, các nước châu Phi cần đẩy nhanh tốc độ kiểm soát dịch Covid-19 và phải thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn nữa. Kinh nghiệm cho thấy, hành động nhanh chóng sẽ giúp hạn chế các ca nhiễm. Nhờ đó, hệ thống y tế vốn mong manh của châu lục sẽ được giảm tải.
Người đứng đầu CDC châu Phi John Nkengasong cho rằng, điều tồi tệ nhất chưa đến và tương lai của châu Phi sẽ phụ thuộc vào cách xử lý dịch Covid-19. Nếu châu Phi bị tụt lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch bệnh, "bức tranh" kinh tế - xã hội sắp tới của Lục địa đen sẽ rất ảm đạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.