Nhân dịp Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) vừa được ký kết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có những chia sẻ về sự kiện, cũng như triển vọng để Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông - Châu Phi.
- Bộ trưởng có thể chia sẻ sơ bộ về tiến trình đàm phán Hiệp định cũng như những nội dung chính trong FTA Việt Nam - UAE vừa được ký kết?
- Từ năm 2022, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế UAE đã chủ động nghiên cứu khả năng đàm phán, ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương.
Ngày 20-6-2023, Chính phủ đã chính thức quyết định khởi động đàm phán CEPA. Từ 6-2023 đến nay, Việt Nam và UAE đã trải qua nhiều phiên đàm phán với các nội dung: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thuận lợi hóa đầu tư, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, thương mại số, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật trong thương mại...
Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới UAE, hai bên đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA). Như vậy, từ khi khởi động đàm phán đến khi ký kết CEPA, chúng ta chỉ mất hơn 1 năm, nhanh hơn rất nhiều so với các FTA trước đây.
Đây là FTA truyền thống với toàn bộ các nội dung vẫn thường có trong các FTA khác nhưng với tiêu chuẩn cao và bao gồm nhiều yếu tố để chuẩn bị cho các xu thế phát triển của thế giới trong tương lai.
- Theo Bộ trưởng, những ngành hàng, lĩnh vực nào của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ CEPA?
- UAE cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam, tạo cơ sở thuận lợi cho việc xúc tiến xuất khẩu của ta sang thị trường này và từ đó sang các nước Trung Đông. UAE sẽ mở cửa cho gần như toàn bộ các mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu.
Các sản phẩm nông nghiệp, như: Hạt điều, hạt tiêu và mật ong sẽ có cơ hội thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường UAE và Trung Đông. Hơn nữa, đây là khu vực có nhu cầu lớn về nông sản chất lượng cao, đặc biệt là sản phẩm sạch và hữu cơ cũng như có chứng chỉ Halal.
Về hàng tiêu dùng, dệt may, da giày, điện tử... là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và việc cắt giảm thuế quan từ CEPA sẽ giúp các sản phẩm này cạnh tranh tốt hơn về giá cả và mở rộng thị phần.
Với nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao cấp, đặc biệt là các sản phẩm tôm và cá, ngành thủy sản Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tăng cường xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm nhờ vào ưu đãi từ CEPA.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh tại UAE, nhu cầu đối với các sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất và vật liệu xây dựng là rất lớn.
Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ, minh bạch hóa mua sắm của Chính phủ... từ đó tạo thuận lợi cho đầu tư.
- Thưa Bộ trưởng, CEPA sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - UAE?
- CEPA là FTA đầu tiên Việt Nam đàm phán với một nước Ả rập ở khu vực Trung Đông - châu Phi và là bước khởi đầu cho việc thúc đẩy quan hệ không những với UAE mà còn cả khu vực.
Do vậy, tôi cho rằng, CEPA không chỉ tạo đột phá trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - UAE, mà còn là động lực thu hút đầu tư mạnh mẽ từ UAE vào Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp, công nghệ cao, phát triển chuỗi cung ứng.
Điều này xuất phát từ việc Việt Nam cam kết mở cửa thị trường cho UAE với mức độ cao hơn so với WTO và một số FTA khác trong một số lĩnh vực mà nước này quan tâm như dịch vụ khách sạn, nhà hàng; cho thuê tàu có kèm người điều khiển; dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa tàu thủy; dịch vụ đại lý hàng hải...
Hiệp định có 1 chương riêng về hợp tác kinh tế. Tại chương này, hai bên nhất trí sẽ triển khai các hoạt động hợp tác vào các lĩnh vực như: Du lịch, vận tải, các ngành sản xuất, dịch vụ tài chính, phát triển năng lượng...
Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp, chuyên gia của ta học tập kinh nghiệm, cũng như tiếp thu các công nghệ mới, tiên tiến từ UAE.
Về phát triển dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng, UAE là một trung tâm logistics thuộc loại lớn nhất toàn cầu, CEPA sẽ giúp tăng cường hợp tác về dịch vụ vận tải, logistics và chuỗi cung ứng, giúp hàng hóa Việt Nam được vận chuyển nhanh chóng và hiệu quả hơn.
- Bộ trưởng đánh giá thế nào về ý nghĩa của CEPA giúp chúng ta khai mở thị trường Trung Đông với quy mô lên tới 2.000 tỷ USD?
- Việc ký kết CEPA với UAE được kỳ vọng là một đòn bẩy quan trọng cho Việt Nam trong việc tận dụng cơ hội thương mại và đầu tư tại khu vực Trung Đông. Đây là khu vực có nhiều nền kinh tế rất năng động, có quy mô kinh tế lớn nhưng lại chưa được doanh nghiệp Việt Nam để ý trong giai đoạn trước đây.
Với việc hai bên có CEPA, khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại UAE chắc chắn sẽ tăng lên và đây là cơ hội để doanh nghiệp chúng ta đuổi kịp, thậm chí là vượt lên các đối tác khác ở thị trường quan trọng này.
Bên cạnh đó, UAE là cửa ngõ thương mại quan trọng tại Trung Đông, có tiềm năng kết nối với nhiều quốc gia trong khu vực. Do vậy, thông qua UAE, các sản phẩm của Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn khác trong khu vực.
- Bộ Công Thương sẽ làm gì để hiện thực hóa các cam kết đã ký kết, giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cơ hội từ CEPA?
- Trước hết, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các cơ hội mà CEPA mang lại. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các cam kết của hiệp định cũng như nắm rõ tập quán kinh doanh của thị trường UAE nói riêng và Trung Đông nói chung.
Ngoài ra, với các nước Ả rập thì yêu cầu về chứng chỉ Halal rất quan trọng nhưng do đây không phải là thị trường truyền thống nên ta cần nỗ lực hơn nữa để có thể cạnh tranh với các nước khác vốn đã quen với các quy định nhập khẩu này từ rất lâu.
Để hiện thực hóa các cam kết trong CEPA Việt Nam - UAE, Bộ Công Thương dự kiến sẽ xây dựng chi tiết Kế hoạch thực thi Hiệp định CEPA.
Bộ sẽ tăng cường phổ biến về nội dung và tác động dự kiến của Hiệp định cho các đối tượng có liên quan.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp các bộ, ngành xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành, trong đó bao gồm Nghị định của Chính phủ về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của CEPA để áp dụng cho UAE, Thông tư về quy tắc xuất xứ trong CEPA.
Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trong quá trình tìm kiếm, thâm nhập thị trường xuất khẩu mới.
Đồng thời, việc kết nối để các doanh nghiệp UAE đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, năng lượng, logistics … sẽ là nội dung quan trọng trong kế hoạch thực thi.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.