(HNM) - Trên địa bàn Hà Nội còn nhiều trường học, cơ sở giáo dục không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Bởi vậy, việc chủ động phòng ngừa, không chủ quan ngay tại nhà trường là điều cần làm...
Giáo viên huyện Thanh Trì diễn tập sử dụng bình bột chữa cháy. Ảnh: Mai Hữu |
Còn nhiều tồn tại
Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), từ đầu năm 2019 đến nay, trên toàn thành phố chỉ xảy ra một sự cố cháy tại trường học, không gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, có thực tế đáng lo ngại là tại nhiều trường học, cơ sở giáo dục, việc chấp hành các quy định phòng cháy, chữa cháy chưa thực sự nghiêm túc. Đặc biệt, nhiều trường không bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy vẫn hoạt động, nhất là tại các quận có mật độ dân cư và giao thông đông đúc.
Kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại Cơ sở mầm mon tư thục Mặt trời đỏ (phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân), Đoàn kiểm tra của Công an quận Thanh Xuân đánh giá, đơn vị này chưa được trang bị đầy đủ về phương tiện và chưa thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy hiện có. Ngoài ra, việc bố trí lớp học tại tầng 4, 5, 6 không bảo đảm an toàn theo quy định…
Tương tự, tại xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ), cả ba trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở của xã đều không bảo đảm về an toàn phòng cháy, chữa cháy với nhiều tồn tại. Trong đó, các thầy cô giáo, nhân viên nhà trường là đội viên đội chữa cháy cơ sở lại chưa được tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn. Còn tại Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Pascal (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm), hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa được nghiệm thu nhưng đã đưa vào sử dụng…
Thực hiện Kế hoạch 359/KH-CAHN-PV01 của Công an thành phố Hà Nội về “Tổng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố”, tính từ tháng 12-2018 đến giữa tháng 4-2019, Công an thành phố đã phát hiện 231 lượt trường học, cơ sở giáo dục không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ngoài ra, có đến 356 trường học, cơ sở giáo dục trong số 1.317 cơ sở không bảo đảm về phòng cháy, chữa cháy thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của HĐND thành phố về “Quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực”.
Lý giải về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng Công an quận Thanh Xuân cho biết, đa phần các trường học, cơ sở giáo dục, nhóm lớp tư thục đều thuê hoặc sử dụng, thay đổi công năng từ nhà dân, chung cư mi ni làm lớp học. Do không được thiết kế làm cơ sở giáo dục nên các địa điểm này không được thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt, do nhu cầu lớn nên rất nhiều cơ sở mầm non, nhóm trẻ có số trẻ vượt quá quy định. Trong khi cơ sở vật chất chưa bảo đảm thì việc giáo viên chủ yếu là phụ nữ, nên khi xảy ra cháy dẫn tới việc ứng phó và xử lý sẽ rất khó khăn. “Ngoài ra, tại một số trường học công lập được xây dựng lâu năm, cơ sở vật chất xuống cấp cũng không đáp ứng được yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy”, Thượng tá Nguyễn Văn Thắng nói.
Nguy cơ cháy nổ tại các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội hiện nay còn đến từ các bếp ăn tập thể tại trường. Theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, có hơn 50% số trường học hiện có bếp ăn bán trú. Đây là nguồn có thể xảy ra cháy nổ cao nếu như những người vận hành không am hiểu, thiếu kỹ năng phòng cháy, chữa cháy.
Chủ động phòng ngừa là chính
Để ngăn chặn tai nạn, sự cố cháy nổ, nhiều trường học đã có sự chủ động trong phòng ngừa. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) Trần Thị Bích Liên cho biết, ngoài việc trang bị đầy đủ và kiểm tra thường xuyên thiết bị phòng cháy, chữa cháy, nhà trường còn yêu cầu giáo viên chủ nhiệm dạy các chuyên đề về phòng cháy, chữa cháy. Qua đó, học sinh được phổ biến kiến thức về các nguy cơ xảy ra cháy nổ và cách phòng tránh. Còn đối với Trường Mầm non Uy Nỗ (huyện Đông Anh), cô giáo Đỗ Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, yêu cầu bắt buộc đối với mỗi cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà bếp của trường là tuân thủ nghiêm quy định, biết cách sử dụng các phương tiện phòng cháy, chữa cháy được trang bị để kịp thời xử lý các sự cố.
Diễn tập chữa cháy tại một cơ sở giáo dục ở quận Long Biên. |
Theo Thiếu tá Nguyễn Tiến Nam, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), đối với những vi phạm do thiếu sót về trang, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ…, sau khi được nhắc nhở, hầu hết các trường học, cơ sở giáo dục đã chủ động bổ sung, khắc phục theo yêu cầu. Còn tại các công trình không bảo đảm do vi phạm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hoặc thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐND, đơn vị sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các giải pháp khắc phục, đồng thời tăng cường tập huấn, tuyên truyền kiến thức để giáo viên, học sinh chủ động phòng ngừa sự cố cháy nổ.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, thời gian tới Sở sẽ tăng cường kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp chủ quan, lơ là phòng cháy, chữa cháy trong nhà trường. Đối với những trường học, cơ sở giáo dục tư thục, đặc biệt là các cơ sở mầm non, nhóm trẻ, nếu phát hiện vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, Sở sẽ đề nghị UBND các cấp ban hành quyết định đình chỉ hoạt động.
“Những cơ sở mới xin cấp phép thì việc tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy là yêu cầu bắt buộc. Qua thẩm định, nếu cơ sở không đạt yêu cầu trên thì Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ đề nghị UBND các cấp kiên quyết không cấp giấy phép hoạt động”, ông Phạm Xuân Tiến khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.