(HNM) - Các đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên thông qua việc sớm nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng. Như vậy, sau nhiều lần thất bại, Mỹ đã quyết tâm gỡ "nút thắt", nối lại tiến trình này bằng con đường ngoại giao.
Sự nhất trí trên đạt được trong cuộc họp tại Seoul (Hàn Quốc) vào ngày 21-6 giữa đặc phái viên Mỹ Sung Kim, đặc phái viên Hàn Quốc Noh Kyu-duk và đặc phái viên Nhật Bản, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề châu Á - châu Đại Dương Takehiro Funakoshi. Đây là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của ông Sung Kim trên cương vị đặc phái viên Triều Tiên của Mỹ sau khi được bổ nhiệm vào tháng 5-2021. Mục đích chuyến đi của ông Sung Kim lần này là xây dựng một chiến lược chung giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản để nối lại tiến trình đàm phán hạt nhân với Triều Tiên. Cuộc họp 3 bên diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng đang bế tắc.
Hồi cuối tháng 4 vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xây dựng xong chính sách tiếp cận mới với Triều Tiên, nhằm gây áp lực, buộc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo thông qua con đường ngoại giao nhưng không tìm cách “mặc cả” với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên vẫn là mục tiêu dù rằng bốn Tổng thống Mỹ trước đây cũng không thể khiến Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Do đó, chính sách của Tổng thống Joe Biden nhằm đạt được một điểm trung gian giữa các chính sách mà hầu hết những người tiền nhiệm của ông Joe Biden đã theo đuổi.
Một trong những thách thức đầu tiên mà chính quyền Tổng thống Joe Biden phải đối mặt là làm thế nào để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Nhiều thông tin cho thấy, Bình Nhưỡng không mặn mà với đề nghị thương lượng của Washington vì vẫn tồn tại những rào cản lớn để nối lại đàm phán bên phía Triều Tiên. Kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai vào năm 2019, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhiều lần bày tỏ rằng không còn nhiều niềm tin vào việc có thể thay đổi bản chất quan hệ Mỹ - Triều. Cho đến nay, Triều Tiên đã từ chối các đề nghị ngoại giao từ chính quyền Tổng thống Joe Biden, đồng thời muốn Washington và các đồng minh phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên vì các chương trình vũ khí của họ.
Rõ ràng, những tồn đọng từ thời chính quyền của ông Donald Trump giờ trở thành những rào cản ngoại giao trong chính sách với Triều Tiên của Tổng thống Joe Biden. Người đứng đầu Nhà Trắng sẽ không từ bỏ nỗ lực thu hẹp mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng tiến tới buộc Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Đây rõ ràng là bài toán không dễ giải đối với Tổng thống Joe Biden.
Theo các nhà phân tích, Triều Tiên không phát đi những tín hiệu thù địch thời gian qua cho thấy khả năng muốn đối thoại của nước này, hoặc ít nhất nước này vẫn đang “thăm dò” sự thiện chí của chính quyền Mỹ. Minh chứng là trước chuyến thăm tới Hàn Quốc của đặc phái viên Sung Kim, phía Triều Tiên cũng đã phát đi tín hiệu mở, để ngỏ khả năng đối thoại cũng như cảnh báo đối đầu với Mỹ. Tại Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa VIII, Chủ tịch Triều Tiên nhấn mạnh sự cần thiết phải chuẩn bị các đối sách chiến lược và chiến thuật phù hợp để duy trì trước xu hướng chính sách mới của Mỹ.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, cần bước đi ngoại giao với Bình Nhưỡng. Việc bổ nhiệm ông Sung Kim làm Đặc phái viên Mỹ được đánh giá là bước đi cụ thể đầu tiên cho những tuyên bố muốn tìm kiếm đối thoại với Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.