Thế giới

Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên: Nhiều yếu tố rủi ro mới

Hoàng Linh 08/01/2024 - 07:40

Chuỗi hoạt động "diễu võ dương oai" và tranh cãi kéo dài nhiều ngày qua giữa Bình Nhưỡng và Seoul cho thấy những dấu hiệu căng thẳng bất thường, dẫn tới không ít quan ngại của cộng đồng quốc tế. Giới quan sát lo lắng, cục diện địa chính trị thế giới vốn đã đối mặt nhiều thách thức càng tăng thêm rủi ro khi bước sang năm mới 2024.

xe-tang-han-quoc-khai-hoa-t.jpg
Xe tăng Hàn Quốc khai hỏa trong cuộc tập trận bắn đạn thật trên đảo Yeongpyeon ngày 5-1.

Theo Hãng thông tấn KCNA, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Triều Tiên tuyên bố các đơn vị phòng thủ ven biển nước này đã bắn 192 quả đạn pháo trong cuộc tập trận ngày 5-1, nhấn mạnh đây là "phản ứng tự nhiên của quân đội trước những hành động quân sự của các lực lượng Hàn Quốc". Truyền thông nước này nêu rõ, Hàn Quốc đã bắt đầu năm mới 2024 bằng những hành động "tự hủy hoại", đồng thời cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai bên sẽ ở mức cao nhất trong năm nay.

Vụ nã pháo của Bình Nhưỡng diễn ra ngay sau thông báo của quân đội Hàn Quốc và Mỹ về việc tổ chức tập trận bắn đạn thật chung để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu. Cuộc tập trận có sử dụng hàng loạt vũ khí từ Hàn Quốc và Mỹ, bao gồm xe tăng K1A2, máy bay chiến đấu A-19, xe bọc thép Stryker và hệ thống pháo, diễn ra ở thành phố biên giới Pocheon, cách Seoul 46km về phía Đông Bắc. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố, sẽ "phản ứng mạnh mẽ chưa từng có" nếu Seoul tiếp tục có "những động thái khiêu khích".

Tuy cho biết cuộc nã pháo của Triều Tiên không gây thiệt hại, nhưng Hàn Quốc đã đáp trả bằng một vụ tập trận bắn đạn thật với pháo tự hành K9 trên đảo tiền tiêu phía Tây là Yeongpyeon. Đây là cuộc tập trận đầu tiên ở khu vực này kể từ khi Seoul và Bình Nhưỡng hủy bỏ hiệp định quân sự tháng 11-2023. Đảo Yeongpyeon cũng là khu vực Hàn Quốc phải sơ tán khẩn cấp dân thường, với hai lệnh sơ tán xuống hầm trú bom chỉ cách nhau khoảng 30 phút vào trưa 5-1, trong lúc quân đội Triều Tiên có "động thái khiêu khích" về quân sự - theo tuyên bố của Seoul.

Những động thái mang tính chất "ăn miếng, trả miếng" dù không mới, nhưng diễn ra liên tục đã khiến căng thẳng khu vực leo thang nhanh chóng. Thực tế, xu hướng này đã gia tăng trong gần 2 năm qua, tạo ra không ít lo ngại cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Chính phủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol sau khi lên nắm quyền đã chủ trương đối phó cứng rắn với Triều Tiên và tăng cường liên minh với Mỹ, Nhật Bản. Hàn Quốc đã hủy bỏ một phần Thỏa thuận quân sự liên Triều ký ngày 19-9-2018 về giảm thiểu căng thẳng ở khu vực giới tuyến chung để phản đối vụ phóng vệ tinh do thám quân sự của Bình Nhưỡng.

Đáp lại, Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận này, đồng thời gần đây có cách tiếp cận mới nhằm ứng phó điều mà họ coi là mối đe dọa từ Mỹ và các đồng minh trong khu vực. Nổi bật là việc điều chỉnh chính sách mà giới phân tích cho là cơ bản đã xếp Hàn Quốc vào nhóm “quốc gia thù địch”, phá vỡ chính sách đã tồn tại nhiều thập niên của Bình Nhưỡng, thậm chí mở đường cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Seoul nếu chiến tranh nổ ra.

Để tránh kịch bản xấu xảy ra, Mỹ và Trung Quốc đang ra sức kêu gọi các bên liên quan giữ bình tĩnh. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, với tư cách láng giềng của bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh luôn chủ trương duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo và giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại, tham vấn. Còn Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller khẳng định, Washington “không có ý định thù địch” với Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng tham gia các cuộc thảo luận thực chất nhằm xác định cách thức “quản lý rủi ro quân sự và kiến tạo hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên”. Cũng theo lời ông Miller, Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với Hàn Quốc và các đồng minh để giải quyết các thách thức ở khu vực trong thời gian tới.

Tuy vậy, những diễn biến mới không khỏi khiến dư luận quốc tế quan ngại sâu sắc trong bối cảnh thế giới đang cùng lúc đối mặt với hàng loạt điểm nóng có nguy cơ trở thành chuỗi phản ứng dây chuyền khó lường. Dù giới quan sát đánh giá nguy cơ “lời qua, tiếng lại” chuyển hóa thành xung đột trực tiếp là chưa rõ rệt, nhưng căng thẳng gia tăng đồng nghĩa với rủi ro gia tăng, hoàn toàn có thể khiến mọi việc vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Vì vậy, điều cần thiết lúc này là hai bên kiềm chế thực hiện các hành động làm gia tăng căng thẳng, tránh làm leo thang tình hình và tạo điều kiện để nối lại đối thoại, tiếp tục tìm hướng giải bài toán khó lâu nay vẫn ám ảnh cuộc sống người dân trong khu vực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên: Nhiều yếu tố rủi ro mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.