(HNM) - Triều Tiên vừa thực hiện một vụ thử tên lửa khiến dư luận quốc tế phản ứng mạnh. Ngày 18-3, theo Hãng Thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo vào vùng biển phía Đông của nước này với tầm bắn khoảng 800km.
Theo nguồn tin quân sự Hàn Quốc, đây là tên lửa Rodong, biến thể của tên lửa Scud, có phạm vi hoạt động tối đa 1.300km. Việc Triều Tiên khai hỏa một tên lửa tầm trung đã làm bán đảo "hạt nhân" thêm "nóng".
Sáng 18-3, Triều Tiên đã phóng tên lửa vào vùng biển phía Đông Hàn Quốc. |
Quân đội Hàn Quốc đang theo dõi và giám sát chặt chẽ tình hình; đồng thời vào tư thế sẵn sàng phản ứng trước các động thái được cho là khiêu khích từ Triều Tiên. Ngay lập tức, Nhật Bản đã lên án hành động "gây hấn" của Triều Tiên. Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, Tokyo đã gửi công hàm phản đối tới Đại sứ quán Triều Tiên tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).
Vụ bắn tên lửa trên diễn ra chỉ một tuần sau khi Triều Tiên bắn 2 tên lửa từ tỉnh Bắc Hwanghae, phía Nam thủ đô Bình Nhưỡng, ra phía biển Nhật Bản. Những vụ bắn tên lửa liên tiếp gần đây là đợt phô diễn sức mạnh quân sự mới nhất trên Bán đảo Triều Tiên, vốn đang lún sâu trong căng thẳng. Trước đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên lần đầu tiên xác nhận quốc gia này đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân để có thể gắn vào tên lửa đạn đạo. Từ đầu năm nay, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên liên tục "tăng nhiệt" khi Triều Tiên vi phạm Nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ), thử bom nhiệt hạch và tên lửa tầm xa khiến Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và cộng đồng quốc tế lên án. Hội đồng Bảo an LHQ đã phản ứng cứng rắn bằng các cấm vận bổ sung khắc nghiệt nhất từ trước đến nay với Triều Tiên nhằm hạn chế tối đa có thể chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Mỹ và Hàn Quốc cũng đã tính chuyện triển khai Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cùng các cuộc tập trận thường niên với quy mô chưa từng có dù Triều Tiên liên tiếp phản đối và đe dọa tấn công.
Ngay sau lệnh trừng phạt bổ sung của LHQ về chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ cũng đưa ra lệnh cấm vận trực tiếp với Bình Nhưỡng. Theo lệnh trừng phạt mà Hàn Quốc công bố hôm 8-3, xuất khẩu sang Triều Tiên bị siết chặt, trừ các mặt hàng viện trợ cho trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai. Hàn Quốc cũng yêu cầu kiểm tra bắt buộc đối với các loại hàng hóa tới Triều Tiên.
Trong khi đó, ngày 17-3, Nhà Trắng đã thông báo, Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa ban bố sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Triều Tiên. Theo đó, Washington sẽ đóng băng tất cả các tài sản của Chính phủ Triều Tiên tại Mỹ và cấm xuất khẩu hàng hóa từ Mỹ đến Triều Tiên. Sắc lệnh cũng cho phép Nhà Trắng xếp tất cả cá nhân có liên quan tới các lĩnh vực chính yếu của nền kinh tế Triều Tiên vào danh sách đen. Dẫu căng thẳng đã kéo dài nhiều thập kỷ và đang gia tăng nhưng Mỹ chưa từng áp đặt lệnh cấm vận toàn bộ với Triều Tiên.
Giới chức Mỹ tin rằng, một lệnh cấm vận sẽ không hiệu quả nếu thiếu cam kết mạnh mẽ từ Trung Quốc, một đồng minh và đối tác thương mại chủ chốt của Triều Tiên. Thế nhưng, Nga đã lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ chống Triều Tiên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, những biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên phải là quyết định chung của cộng đồng quốc tế và được HĐBA LHQ thông qua. Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối lệnh trừng phạt mới của Mỹ khi cho rằng hành động này của Washington có thể làm leo thang căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Rõ ràng, vụ thử tên lửa mới nhất mà Triều Tiên thực hiện được xem như một thách thức của Triều Tiên trước dư luận quốc tế. Đáng quan ngại hơn, những đe dọa tấn công nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc gần đây từ Triều Tiên cho thấy sự bất ổn từ bán đảo có sở hữu hạt nhân không chỉ đe dọa an ninh trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu. Thế nên, các biện pháp trừng phạt của LHQ, Mỹ cũng như Hàn Quốc với Triều Tiên xem ra chỉ là giải pháp tạm thời. Quan trọng hơn, các bên liên quan phải cùng tìm được tiếng nói chung để có thể gỡ bỏ một chương trình hạt nhân không kiểm soát tại Bán đảo Triều Tiên và trên bình diện toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.