Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển văn hóa gắn với xây dựng, phát triển con người.

Hoàng Lân| 21/06/2019 16:21

(HNMO) - Chiều 21-6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết 33-NQ/TƯ ngày 9-6-2014).

Hơn 10.000 tỷ đồng đầu tư cho phát triển văn hóa

Theo đánh giá của Bộ VH,TT&DL, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TƯ, nhìn tổng thể lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt được nhiều thành tựu. Bộ đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3 đề án giáo dục, đào tạo: “Đào tạo tài năng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2030”; “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030” và Đề án Tuyển chọn, đào tạo tài năng trong lĩnh vực thể thao thành tích cao đến 2035…

Toàn cảnh hội nghị.


Về việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, Bộ VH,TT&DL chỉ đạo thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đạo đức, quy tắc ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực như: Du lịch, đào tạo, quảng cáo... Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được các địa phương bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần phát triển du lịch, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế địa phương. 


Trong Chiến lược phê duyệt các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ VH,TT&DL chỉ đạo phát triển 5 ngành công nghiệp văn hóa gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm quảng cáo và du lịch văn hóa. 

Về nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa, Bộ VH,TT&DL cho biết, sang giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa với tổng nguồn vốn là 10.620 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách trung ương là hơn 2,2 nghìn tỉ đồng, 503 tỷ đồng từ vốn ngân sách sự nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ chi cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vẫn còn thấp, chỉ đạt 1,72% tổng chi ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá, bên cạnh những mặt làm được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết còn bộc lộ nhiều bất cập như: Bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh; công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích chưa được coi trọng, có hiện tượng tận thu trong khai thác giá trị di tích; đời sống văn hóa, thể thao của công nhân lao động ở các khu công nghiệp, chế xuất còn thấp; các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn trong việc tuyền chọn, đào tạo diễn viên kế cận…

Phát triển văn hóa gắn với phát triển con người

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, phân tích đánh giá những mặt được và chưa được, nguyên nhân, giải pháp trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TƯ.

Theo ông Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, việc xây dựng và phát triển văn hóa không thể tách rời với xây dựng và phát triển con người. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều giải pháp đồng bộ.

Bên cạnh các giải pháp bằng hành chính, pháp luật, văn hóa, giáo dục…, các đơn vị, địa phương cần chú trọng đến việc cải thiện đời sống vật chất của người dân, thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, tạo việc làm bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động…

Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cũng cho rằng, nhiệm vụ của văn hóa và nhiệm vụ xây dựng con người văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cần phải thực hiện đồng bộ. Hà Nội đang nỗ lực xây dựng là trung tâm văn hóa tiêu biểu của cả nước, phấn đấu làm cho văn hoá thấm sâu vào mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức xã hội, mọi lĩnh vực đời sống.

Theo bà Trần Thị Vân Anh, việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TƯ cần chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, lấy gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị… là nơi để mỗi người dân thể hiện nếp sống văn minh, thanh lịch; đẩy mạnh sự nghiệp văn học nghệ thuật, văn hóa, thể thao, tạo ra các sản phẩm văn hóa mới của Thủ đô có chất lượng tốt.

Còn Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, ngành văn hóa đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt Nghị quyết 33-NQ/TƯ trong thời gian tới như: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững; hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người dân …

Bên cạnh đó, Bộ VH,TT&DL cũng đề xuất Ban Bí thư có kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TƯ và tăng mức đầu tư cho văn hóa đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước để văn hóa có điều kiện phát triển ngang hàng kinh tế, chính trị…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển văn hóa gắn với xây dựng, phát triển con người.

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.