(HNM) - Hà Nội có hệ thống trung tâm thương mại (TTTM) phát triển mạnh. Tuy nhiên, khảo sát mới đây cho thấy, siêu thị hiện đại phân bố không đồng đều, chưa có TTTM xứng tầm khu vực, trong khi, chợ cóc vẫn tràn lan làm mất mỹ quan đô thị. Thành phố đã xây dựng quy hoạch hệ thống thương mại đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm khắc phục những bất cập trên.
|
Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại Hapro Mart. Ảnh: Anh Tuấn |
Đáp ứng tiến trình hội nhập quốc tế
Với vị thế đặc biệt, Hà Nội không chỉ đóng vai trò là đầu mối sản xuất, kinh doanh, mà còn dẫn dắt hoạt động kinh tế của cả khu vực phía Bắc, nhất là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Cùng với đó là sự phát triển nhanh cả về lượng và chất của loại hình bán lẻ hiện đại, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, vui chơi ngày càng cao của người dân Thủ đô. Đến nay, toàn thành phố có 133 siêu thị, 27 TTTM và hàng trăm cửa hàng tiện ích, như chuỗi siêu thị Hapro, Fivimart, Vinmart, Big C, Co.opmart, Parkson… Việc mua hàng tại các siêu thị, TTTM với trình độ quản lý tốt, văn minh thương mại được đề cao đã là hình ảnh quen thuộc với hầu hết người dân Thủ đô. Doanh thu của các siêu thị, TTTM tăng trưởng đều, chiếm khoảng 20% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại thị trường Hà Nội. Đáng chú ý, riêng trong giai đoạn từ năm 2012-2015, Hà Nội đã đưa vào hoạt động 8 TTTM lớn mang tầm quốc gia và quốc tế, với mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, mạng lưới bán lẻ truyền thống đã dần đáp ứng yêu cầu văn minh thương mại, vệ sinh môi trường… Hệ thống chợ được đầu tư xây mới hoặc cải tạo lại, bảo đảm mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát đánh giá hệ thống bán lẻ trên địa bàn thành phố, do Sở Công thương Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế-Xã Hội Hà Nội thực hiện, cho thấy, các siêu thị đang hoạt động phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại các quận nội thành, là nơi có nhiều lợi thế thương mại, việc đầu tư mang lại hiệu quả cao; chỉ có 17 siêu thị tại các huyện ngoại thành. Hiếm có TTTM mang đẳng cấp quốc tế và vùng, các trung tâm bán buôn và trung tâm logistics lớn… Hơn nữa, chất lượng dịch vụ thấp và giá thuê diện tích kinh doanh cao…làm hạn chế vai trò của TTTM đối với sản xuất, tiêu dùng và phục vụ cho hoạt động của thương nhân.
Đối với mạng lưới chợ truyền thống, một số quận và khu đô thị mới còn thiếu, chợ cóc họp tràn lan, chưa bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Trong khi, chưa phát triển được hệ thống chợ đầu mối, chợ chuyên doanh quy mô lớn để thu hút, tập trung hàng hóa từ các tỉnh, thành, từ đó phân phối cho khu vực Hà Nội.
Hướng tới hệ thống thương mại đồng bộ, hiện đạiVới mục tiêu xây dựng Hà Nội phát triển bền vững, là trung tâm giao thương của khu vực Đông Nam Á theo hướng văn minh, hiện đại, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng Quy hoạch phát triển thương mại thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, đến năm 2030, Hà Nội sẽ hình thành 999 siêu thị các loại, 62 TTTM lớn… trên cơ sở dự báo tình hình phát triển kinh tế, xã hội, tốc độ tăng dân số và thu nhập của người dân. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng hệ thống bán buôn, bán lẻ theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại là hết sức cần thiết, nhằm điều phối liên kết giữa sản xuất với thương mại và tiêu dùng trên địa bàn thành phố.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Hà Nội sẽ tích cực triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016-2020 về phát triển hạ tầng thương mại. Trong đó, Sở tập trung rà soát quy hoạch vùng mạng lưới bán buôn, bán lẻ của thành phố để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp; rà soát các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong, ngoài nướctham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, đặc biệt là các TTTM có tầm cỡ quốc tế, các siêu thị, chợ tác các vùng ngoại thành, các hệ thống cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố. Thành phố sẽ đầu tư, cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ đáp ứng yêu cầu văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ…
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ triển khai các chính sách và biện pháp khuyến khích phát triển các loại hình thương mại truyền thống và hiện đại; giải quyết khó khăn về vốn, đất đai, cải cách thủ tục hành chính để tăng cường năng lực hoạt động của doanh nghiệp thương mại; phát triển các phương thức lưu thông hiện đại. Cũng theo bà Phương Lan, Sở Công thương Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu phục vụ trong hệ thống bán lẻ của thành phố thời kỳ hội nhập; quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển mạng lưới thương mại; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại, đồng thời, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển tốt, đồng bộ…góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế -xã hội thành phố giao.