Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực: Thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh

Thanh Hiền| 15/01/2019 06:34

(HNM) - Sau hơn 10 năm thực hiện, các sản phẩm trong

Dây chuyền lắp ráp đèn LED - một trong 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội năm 2018, tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông.


Hiệu quả từ 61 sản phẩm công nghiệp chủ lực

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, 61 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP Hà Nội năm 2018 đều thuộc những lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, có tính lan tỏa mạnh, giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Các sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền thiết bị có trình độ công nghệ ngang tầm khu vực, bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường.

Đáng chú ý, tổng doanh thu của 61 sản phẩm công nghiệp chủ lực chiếm 35,2% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố; chiếm 7,7% tổng sản phẩm trên địa bàn. Ngoài ra, các sản phẩm này còn đóng vai trò chủ lực trong xuất khẩu, với kim ngạch đạt trên 10.000 tỷ đồng (giá trị năm 2017 - thời điểm tổng hợp số liệu bình chọn sản phẩm). Đặc biệt, trong số các đơn vị tham gia xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực có 12 doanh nghiệp trong tốp 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, 15 doanh nghiệp lớn có doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm. Tiêu biểu có thể kể đến các doanh nghiệp đạt doanh thu trên 4.000 tỷ đồng/năm như: Công ty cổ phần Vicostone, Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam...

Cùng với việc đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp, các sản phẩm chủ lực còn phát huy được giá trị truyền thống và tạo nhiều việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn với thu nhập ổn định. Đặc biệt, việc đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh đã đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Trọng Tiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh - CTCP, chia sẻ: “Bản thân các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực luôn chú trọng nâng cao năng lực, đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm. Đó cũng là lý do đưa Thiết bị điện Đông Anh trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất thiết bị điện trong nước và khu vực Đông Nam Á, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước trên thế giới thiết kế và chế tạo thành công máy biến áp 500kV”.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Chuyên viên kỹ thuật Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp vận hành dây chuyền sản xuất hiện đại.


Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, sự phát triển của các sản phẩm công nghiệp chủ lực đã thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ của TP Hà Nội đối với doanh nghiệp trong việc ưu tiên thu hút đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp quy mô lớn. Trong đó, thành phố đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp và chế xuất, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, cụm công nghiệp; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường, tạo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm.

Liên quan đến chính sách phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, từ góc độ doanh nghiệp, ông Lương Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp cho biết, sự hỗ trợ của ngành Công Thương, các hiệp hội, ngành hàng, các tổ chức đối với doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực, sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao… giữ vai trò rất quan trọng. “Đơn cử như việc hình thành sàn giao dịch hàng hóa B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) làm nơi kết nối giao thương uy tín giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ giúp doanh nghiệp đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm ở cả thị trường trong nước và quốc tế” - ông Thắng nói.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 496/QĐ-UBND (ngày 26-1-2018) phê duyệt đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố đến năm 2020, định hướng tới năm 2025. Theo đó, mục tiêu hướng đến là phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực gắn với thực hiện có hiệu quả quy hoạch, định hướng tái cấu trúc công nghiệp Thủ đô; tập trung phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường như công nghệ vật liệu mới, chế tạo khuôn mẫu, điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí chính xác…

Về vấn đề này, ông Lê Hồng Thăng cho biết, thành phố đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực của doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực nói riêng và các đơn vị sản xuất công nghiệp nói chung, để đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm; tăng cường quảng bá thương hiệu, kết nối rộng rãi giữa các nhà sản xuất và phân phối thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại của quốc gia và thành phố; nắm bắt và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, hệ thống quản lý, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, cải tiến mẫu mã, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, thành phố tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các ngành, đặc biệt là lĩnh vực thuế, hải quan...

Với định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố, hy vọng ngành Công nghiệp Thủ đô sẽ có thêm nhiều sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững.

TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 có hơn 80 sản phẩm công nghiệp chủ lực; doanh thu của các sản phẩm chiếm 33-35% doanh thu sản xuất công nghiệp trên địa bàn; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018-2020 đạt 9-10%; kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng 12-14% tổng kim ngạch xuất khẩu...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực: Thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.