(HNM) - Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu của thành phố Hà Nội, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ lên đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, trước hết, Hà Nội phải gỡ được hai "rào cản" về nguồn vốn và đất đai...
Hiệu quả nhưng chưa thể nhân rộng
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất đáng ghi nhận.
Trước hết có thể kể đến mô hình sản xuất nấm công nghệ cao theo dây chuyền Nhật Bản của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức). Theo Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao Dương Thị Huệ, công ty đã đầu tư gần 70 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất và đóng gói nấm kim châm sạch theo công nghệ hiện đại của Nhật Bản với quy mô hơn 3.000m2 ở xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức). Hiện, với sản lượng khoảng 30 tấn/tháng, doanh thu của công ty đạt 1,8-2 tỷ đồng/tháng.
Với mô hình trồng hoa, sản xuất giống hoa nuôi cấy mô của Công ty cổ phần Vật tư và Giống cây trồng Hà Nội, Giám đốc Nguyễn Xuân Trường chia sẻ: Công ty đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng để xây dựng phòng nuôi cấy mô và 7ha trồng hoa ứng dụng công nghệ hiện đại tại huyện Mê Linh và Sóc Sơn. Từ mô hình này, mỗi năm công ty thu về hơn 10 tỷ đồng. Đặc biệt, tháng 12 tới, công ty sẽ xuất 10.000 bông hoa cúc sang thị trường Nhật Bản, mở đầu cho những đơn hàng xuất khẩu ra thị trường thế giới…
Đây là hai trong rất nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin: Hiện Hà Nội có 129 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, ngoài ra còn một số mô hình công nghệ cao do các hợp tác xã và cá nhân triển khai thực hiện. Nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội đã gặt hái được thành quả bước đầu đáng ghi nhận, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, các mô hình mới chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ từng phần. Ông Chu Phú Mỹ lấy ví dụ: Hà Nội mới có 119ha rau có nhà lưới, 15ha rau theo công nghệ tưới tiết kiệm trong tổng số 33.160ha trồng rau; 111ha hoa ứng dụng công nghệ cao từng phần trên tổng diện tích 5.470ha trồng hoa…
Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư và Giống cây trồng Hà Nội Nguyễn Xuân Trường cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là nguồn vốn và quỹ đất. Để đầu tư cho 1ha đất ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp cần số vốn từ 1,5 tỷ đến hơn 2 tỷ đồng. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Tuệ Viên Nguyễn Thị Phương Liên cho biết thêm, để phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm chiết xuất từ quả ổi cần thêm từ 6ha đến 10ha, nhưng doanh nghiệp chưa có quỹ đất để đầu tư.
Gỡ “rào cản”, thúc đẩy đầu tư
Thực tế cho thấy, quỹ đất và nguồn vốn là hai rào cản lớn nhất đối với Hà Nội trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Để tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp ở những cấp độ khác nhau. Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐND ngày 8-7-2015 của HĐND thành phố Hà Nội về một số chính sách thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình có dự án, phương án đầu tư phát triển sản xuất giống; sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản ứng dụng công nghệ cao vay vốn từ các quỹ của thành phố… Đặc biệt, trong kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2019-2020, thành phố dành hơn 204 tỷ đồng hỗ trợ chương trình nông nghiệp công nghệ cao; 233 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…
Giám đốc Công ty TNHH Lạc Hòa Trương Cao Sơn cho biết, mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái của công ty tại xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) đã được hỗ trợ 70% nguồn vốn để xây dựng kênh mương trục chính cấp, tiêu nước… Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Phương Tiến (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) Lê Văn Lanh cũng chia sẻ, để phát triển vùng bưởi hữu cơ ứng dụng công nghệ trong sản xuất, hợp tác xã đã được hỗ trợ 80% chi phí mua giống theo Nghị quyết 03/2015/ NQ-HĐND của HĐND thành phố. Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, dù quá trình triển khai còn những bất cập, nhưng các chính sách hỗ trợ đã bước đầu giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán về nguồn vốn.
Đối với quỹ đất, ngoài việc quy hoạch các khu công nghệ cao để tạo quỹ đất sạch, các địa phương cũng đã linh hoạt triển khai nhiều phương thức thu hút đầu tư. Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, huyện đã giao các xã rà soát toàn bộ quỹ đất nông nghiệp. Với những vùng trong quy hoạch chuyển đổi, xã sẽ đứng ra thuê đất của dân và doanh nghiệp sẽ thuê đất thông qua chính quyền địa phương.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng, để có quỹ đất lớn cho nông nghiệp công nghệ cao, huyện đã vận động người dân liên kết với doanh nghiệp, theo đó người dân góp đất, doanh nghiệp đầu tư, người dân được nhận vào công ty để đào tạo và làm việc. Đây cũng là cách mà hai huyện Phúc Thọ, Hoài Đức… đã triển khai để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, ngoài các chính sách hỗ trợ của thành phố và địa phương, doanh nghiệp cần chủ động vận dụng chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, ví dụ như gói vay 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao… Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích sự tham gia của các thành phần xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, đối với vấn đề tích tụ ruộng đất, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm đề xuất sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương cũng như doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.