Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo

Thanh Hải| 15/12/2020 06:31

(HNM) - Nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, gió, mưa, thủy triều, sóng, địa nhiệt), đặc biệt là năng lượng mặt trời, được đánh giá có tiềm năng lớn tại Việt Nam và là xu hướng phát triển, góp phần tăng cường điện năng cho quốc gia cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cùng với việc áp dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ tài chính, Hà Nội đã ban hành kế hoạch thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch này.

Công nhân Công ty Điện lực Nam Từ Liêm bảo dưỡng thiết bị năng lượng mặt trời mái nhà.

Giàu tiềm năng, nhiều lợi ích

Chị Lê Thu Hằng (phường Cống Vị, quận Ba Đình) chia sẻ, gia đình chị đang kinh doanh khách sạn quy mô nhỏ. Được ngành Điện tư vấn, tháng 6-2020, chị đã lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà, với diện tích hơn 50m2, chi phí đầu tư gần 100 triệu đồng. “Từ khi lắp đặt đến nay, hệ thống điện mặt trời mang lại hiệu quả rõ rệt. Tầng áp mái được tăng dày thêm một lớp chống nóng. Số lượng các thiết bị điện (bình nóng lạnh, đèn chiếu sáng, quạt…) tăng, nhưng tiền điện giảm rõ rệt. Có một số tháng còn được ngành Điện chi trả hơn 1 triệu đồng tiền bán điện cho nguồn điện lưới”, chị Lê Thu Hằng nói.

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/ QĐ-TTg, ngày 6-4-2020, về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam, trong đó có quy định giá mua điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng trong năm 2020 là 1.940 đồng/kWh, cao hơn các loại điện mặt trời khác, thị trường thiết bị điện mặt trời mái nhà tại Hà Nội trở nên khá sôi động.

Trưởng ban Kinh doanh, Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) Tô Lan Phương cho biết, thời gian qua, số khách hàng đăng ký lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà ngày càng tăng. “Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, từ tháng 3-2020, EVN HANOI có chương trình hỗ trợ 2 triệu đồng nếu lắp đặt hệ thống có công suất dưới 3KWp và 5 triệu đồng cho hệ thống có công suất từ 3KWp trở lên”, bà Tô Lan Phương thông tin.

Bên cạnh EVN HANOI, các đơn vị cung cấp thiết bị điện mặt trời đã có nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Theo Tập đoàn Sơn Hà, khách hàng khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà sẽ được cung cấp dịch vụ bảo trì miễn phí trong 2 năm đầu. Còn với giải pháp điện mặt trời thương hiệu BigK của Công ty TNHH Điện mặt trời Việt Nam và SolarBK của Công ty Năng lượng mặt trời Bách Khoa, khách hàng được giảm 400.000-615.000 đồng/kWp tùy mức công suất lắp đặt.

Nhận xét về thị trường thiết bị điện mặt trời mái nhà, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cho biết: "Hà Nội có số ngày nắng trong năm nhiều nên việc phát triển điện mặt trời mái nhà là giàu tiềm năng, tính khả thi cao. Chi phí đầu tư cho thiết bị này trong vài năm trở lại đây đã giảm đáng kể. Chỉ riêng năm 2020, giá thành giảm còn khoảng 60% so với năm 2019".

Đẩy mạnh hỗ trợ, đề xuất cơ chế đặc thù

Tuy được đánh giá là sôi động hơn nhưng những hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà như chị Lê Thu Hằng nói ở trên tại Hà Nội chưa nhiều, nếu so với tiềm năng. Thống kê của EVNHANOI cho thấy, trên toàn địa bàn thành phố có 1.199 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Theo ông Lê Việt Hùng, Phó Trưởng ban Truyền thông EVN HANOI, nguyên nhân chủ yếu là người dân vẫn lo ngại chi phí lắp đặt lớn, đồng thời chưa hiểu rõ về nguyên lý lắp đặt và cơ chế vận hành.

“Để góp phần thúc đẩy việc lắp đặt các hệ thống điện mặt trời mái nhà, từ tháng 9-2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ra mắt nền tảng EVNSOLAR, trên trang web http://solar.evn.com.vn nhằm cung cấp giải pháp toàn diện cho các chủ đầu tư là hộ gia đình, doanh nghiệp có nhu cầu phát triển nguồn năng lượng này”, ông Lê Việt Hùng cho hay.

Còn bà Tô Lan Phương chia sẻ, EVNHANOI đã tổ chức quảng bá, giới thiệu ưu điểm của điện mặt trời mái nhà trên các phương tiện thông tin đại chúng; lắp đặt miễn phí công tơ đo đếm 2 chiều và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà không sử dụng hết từ doanh nghiệp và người dân; tiếp tục phối hợp với các đối tác hỗ trợ tài chính, khuyến khích lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Ngày 18-11 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025, nguồn điện mặt trời chiếm 1% tổng cung sản lượng điện toàn thành phố với tổng công suất ước đạt khoảng 100MWp. Đáng chú ý, thành phố dự kiến lắp đặt đồng bộ điện mặt trời mái nhà tại các chung cư thấp tầng, tòa nhà cao tầng trên địa bàn...

Để đạt mục tiêu này, Hà Nội sẽ đẩy mạnh một số giải pháp như đào tạo, nâng cao năng lực và nhận thức của cộng đồng; đầu tư về khoa học, công nghệ; đề xuất cơ chế đặc thù hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ thống điện mặt trời... Thành phố cũng giao Sở Công Thương Hà Nội là đơn vị chủ trì quản lý nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo và giám sát, kiểm tra các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nguồn năng lượng tái tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.