Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển Đông Anh thành vùng đô thị hóa kiểu mẫu

Tuấn Lương| 04/09/2015 06:27

(HNM) - Đông Anh nằm ở vị trí cửa ngõ phía bắc Thủ đô và là đầu mối giao thông quan trọng nối Thủ đô với các tỉnh phía Bắc.

Bài toán vốn cho phát triển hạ tầng

Đông Anh nằm ở vị trí cửa ngõ phía bắc Thủ đô và là đầu mối giao thông quan trọng nối Thủ đô với các tỉnh phía Bắc. Những năm qua, một số dự án quy mô lớn đã được hoàn thành và đưa vào khai thác, như đường Võ Nguyên Giáp, Đường 5 kéo dài, đường Võ Văn Kiệt, quốc lộ (QL) 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên… cùng với đó là chỉnh trang một số tuyến đường, phát triển giao thông nông thôn đã từng bước tạo diện mạo cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại; tạo động lực phát triển KT-XH của huyện.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Châm - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, tốc độ phát triển hạ tầng còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nhiều tuyến đường, đặc biệt là QL23B xuống cấp, không có hệ thống chiếu sáng và tiêu thoát nước; QL3 cũ qua địa bàn mặt cắt hẹp, tiêu thoát nước kém và thường xuyên trong tình trạng quá tải... Ngay cả QL3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên) đoạn đi qua huyện dài khoảng 7km, nhưng không có điểm kết nối, từ đó nhân dân địa phương không được hưởng lợi từ dự án. Nhiều dự án cải tạo hạ tầng giao thông trên địa bàn đều đã nằm trong quy hoạch, kế hoạch, tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn đầu tư.

Đường Võ Nguyên Giáp cùng một số tuyến đường khác đưa vào khai thác đã tạo diện mạo mới cho huyện Đông Anh. Ảnh: Bá Hoạt


Để tháo gỡ khó khăn, trước mắt huyện đề nghị thành phố, các sở, ngành quan tâm chấp thuận ưu tiên bố trí vốn để triển khai một số dự án dân sinh bức xúc, như xây dựng tuyến đường nối từ QL3 cũ qua Khu công nghiệp Đông Anh đến QL3 mới; xây dựng tuyến đường nối từ ngã tư biến thế Đông Anh đến đường Võ Nguyên Giáp để kết nối ngang theo quy hoạch; cải tạo, nâng cấp đường từ ngã tư Nguyên Khê đi Chợ Kim (xã Xuân Nộn) để phục vụ các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn… Cùng với đó, huyện cũng kiến nghị thành phố quan tâm bố trí nguồn vốn để hoàn thành một số dự án nằm trong kế hoạch năm 2015 còn đang dở dang, như tuyến đường nối từ đường Cao Lỗ đến Nhà tang lễ huyện Đông Anh; cải tạo, nâng cấp đường Nam Hà; cải tạo nâng cấp đường từ cầu kênh giữa đến cầu Nam Hồng.

Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho rằng, các dự án mới mà huyện đề xuất đều nằm trong quy hoạch, tuy nhiên do nguồn vốn lớn nên cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Còn theo đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, thuận lợi lớn nhất đối với Đông Anh là quy hoạch đã được phê duyệt ổn định, hệ thống hạ tầng giao thông khung đã được đầu tư nhiều. Do đó, để tháo gỡ khó khăn về vốn, huyện cần xem xét các quỹ đất có thể đấu giá tạo nguồn thu…

Xung quanh các kiến nghị của huyện Đông Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, vài năm gần đây, Đông Anh đã có sự phát triển vượt bậc. Trong thời gian tới Đông Anh cần tiếp tục phát triển mạnh hơn để trở thành khu vực đô thị hóa kiểu mẫu phía Bắc sông Hồng. Trước mắt, với các dự án hạ tầng giao thông đang triển khai dở dang, yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư cân đối nguồn bố trí vốn còn thiếu cho 3 dự án đã nằm trong kế hoạch năm 2015. Ban QLDA Hạ tầng Tả ngạn và huyện triển khai việc khớp nối QL5 kéo dài với các đường ngang dân sinh của địa phương, hoàn thiện hệ thống đèn tín hiệu trong năm 2015. Giai đoạn 2016-2020, ưu tiên lập chỉ giới đường đỏ dự án xây dựng đoạn đường kết nối QL3 cũ, QL3 mới và đường trục chính đô thị. Đồng thời, lập quy hoạch các khu đấu giá đất Tiên Dương, Uy Nỗ đồng bộ với phương án tái định cư, giải phóng mặt bằng…

Nâng tỷ lệ cấp nước sạch cho nhân dân

Cùng với giao thông, nước sạch cũng đang là vấn đề khó khăn đối với quá trình đô thị hóa của huyện Đông Anh. Trên địa bàn hiện có 2 nhà máy nước (NMN) là Bắc Thăng Long - Vân Trì và NMN Đông Anh đang hoạt động, tỷ lệ cấp nước sạch trên địa bàn mới đạt 24,75%, với tổng số hơn 94.000 người được sử dụng nước sạch. Trong đó có 4 xã được cấp nước toàn bộ gồm Võng La, Đại Mạch, Kim Chung và Hải Bối và 6 xã được cấp một phần. Trong khi đó có 14 xã chưa có mạng lưới cấp nước sạch. Một số khu tái định cư như Đông Hội, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh - Tàm Xá dù đã được đầu tư hệ thống đường ống theo dự án, nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn nước cấp. Để từng bước giải quyết nhu cầu nước sạch, huyện kiến nghị các ngành chức năng đầu tư phát triển và hoàn thiện mạng lưới cấp nước. Đặc biệt, huyện đề nghị thành phố chỉ đạo Công ty Haprosimex bàn giao NMN Nguyên Khê (trong Khu công nghiệp Nguyên Khê công suất 10.000m3/ngày - đêm) cho Công ty Nước sạch số 2 để đưa vào phục vụ nhân dân. NMN này được xây dựng với mục tiêu cấp nước cho khu công nghiệp đã hoàn thành từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào hoạt động.

Để giải quyết khó khăn về cấp nước sinh hoạt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nâng công suất NMN Bắc Thăng Long - Vân Trì, cố gắng trước hè năm 2016 bổ sung 5.000 - 7.000m3/ngày - đêm. Đồng thời, làm việc với Công ty Haprosimex giải quyết dứt điểm việc tiếp nhận nguyên trạng NMN Nguyên Khê trước tết Âm lịch 2016, nhằm đáp ứng nhu cầu nước sạch của nhân dân trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển Đông Anh thành vùng đô thị hóa kiểu mẫu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.