(HNM) - Hiện nay, tại một số địa phương, nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây ăn quả nhưng không theo quy hoạch, dẫn tới tình trạng cung vượt cầu. Mặt khác, một số vùng trồng cây ăn quả chưa được đầu tư về khoa học kỹ thuật cũng như xây dựng thương hiệu nên năng suất, chất lượng, giá bán thấp... Đâu là giải pháp để hình thành những vùng trồng cây ăn quả đặc sản theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường?
Hệ lụy từ việc chạy theo phong trào
Gia đình ông Hoàng Văn Khánh ở xã Vân Hà (huyện Phúc Thọ) trồng 70 gốc bưởi, mỗi năm sau khi trừ chi phí, thu nhập khoảng hơn 100 triệu đồng. Theo ông Khánh, do thiếu vốn và chưa có quy trình sản xuất theo hướng an toàn nên gia đình ông và nhiều hộ dân khác vẫn dựa vào kinh nghiệm là chính. Mặt khác, khi thấy thu nhập từ trồng cây ăn quả cao hơn so với trồng rau màu, nhiều hộ dân ồ ạt chuyển sang trồng bưởi nên giá bán một vài năm nay giảm so với trước khoảng 10%.
Còn theo ông Nguyễn Văn Can ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai), trước đây gia đình ông có một mẫu đất trồng hoa màu, khi thấy các hộ xung quanh chuyển sang trồng cam Canh nên cũng đầu tư khoảng 200 triệu đồng để đổ đất trồng loại cây này. Do chưa có kinh nghiệm trồng và chăm sóc nên khi cây cho quả, chất lượng không đồng đều, bán chỉ khoảng 20.000 đồng/kg-25.000 đồng/kg, trong khi các hộ trồng cam Canh ở nơi khác bán tại vườn từ 35.000 đồng/kg đến 45.000 đồng/kg.
Nói về việc phát triển cây ăn quả ở địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Phùng Anh Tuấn cho biết: "Trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng trồng cây ăn quả với diện tích gần 900ha ở các xã Vân Hà, Thanh Đa, Hiệp Thuận… Tuy nhiên, có một thực tế là nông dân trồng cây ăn quả theo phong trào, không tìm hiểu nhu cầu thị trường… Mặt khác, do chưa có thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chủ yếu vẫn bán qua thương lái nên khi vào vụ thu hoạch thường bị ép giá".
Do không tính toán căn cơ nên người nông dân chịu không ít rủi ro và chưa thể thoát được cái vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá”. Nhận định về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội có khoảng 17.000ha cây ăn quả, chủ yếu là bưởi, cam, nhãn, chuối... Tuy nhiên, diện tích cây ăn quả còn phân tán, chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung quy mô lớn nên rất khó khăn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng như tổ chức liên kết sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Mặt khác, người dân chưa quan tâm tới việc sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm… Do đó, sản xuất cây ăn quả của Hà Nội đang đối mặt với nhiều thách thức.
Lựa chọn loại cây chủ lực
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1.384ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao và tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao chiếm 15-20% tổng giá trị sản xuất cây ăn quả toàn thành phố. Thành phố cũng khuyến khích phát triển các vùng cây ăn quả sản xuất theo hướng tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu, như: Mỹ, châu Âu... Để thực hiện mục tiêu đó, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ.
Theo ông Phạm Văn Mạnh ở xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức), nông dân mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó là hình thành các vùng trồng cây ăn quả hình thành thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cũng như tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm...
Từ góc độ của nhà quản lý ở địa phương, ông Nguyễn Tiến Hoàng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho biết, huyện sẽ phát triển các vùng cây ăn quả tập trung có quy mô từ 20ha trở lên tại các xã, thị trấn: Đông Dư, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Trâu Quỳ, Kim Sơn, Phú Thị, Lệ Chi, Cổ Bi, Phù Đổng, Trung Mầu, tập trung vào các loại cây cam, chanh, bưởi, ổi, táo… Gia Lâm sẽ tạo điều kiện về đất đai, nguồn vốn cho những nông dân có khả năng và nhu cầu đầu tư sản xuất nông nghiệp thông qua việc giao đất, cho thuê đất trong vùng phát triển cây giống, cây ăn quả.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở và các địa phương phối hợp chọn một số chủng loại cây ăn quả chủ lực, xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới trên địa bàn. Sở NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng chỉ dẫn địa lý với một số loại cây ăn quả đặc sản; đồng thời nghiên cứu, nắm chắc tình hình thị trường, dự báo sản lượng tiêu thụ cụ thể và đưa vào chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ...
Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, để cây ăn quả của Hà Nội phát triển bền vững, các địa phương cần chọn lựa loại cây đặc sản có lợi thế để tạo ra sản phẩm chủ lực, không nên phát triển ồ ạt dẫn tới tình trạng cung vượt cầu. Mặt khác, thành phố cần có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, làm đầu tàu dẫn dắt sản xuất.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường:
Đối với một số loại cây ăn quả phát triển nhanh, có nguy cơ rủi ro về giá cả, tiêu thụ như cam, bưởi... cần tăng cường khuyến cáo nông dân không tăng diện tích khi chưa có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; đồng thời rà soát, chuyển đổi cơ cấu, chủng loại cây ăn quả phù hợp với thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.